Ngày 29-8, TAND quận Tân Bình, TP HCM đã tiến hành hòa giải vụ kiện giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Kim Chi với bị đơn là Trung tâm Hiến máu Nhân đạo (TTHMNĐ) thuộc Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) TP HCM. Bà Chi kiện TTHMNĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái luật, yêu cầu trung tâm phải nhận trở lại làm việc nhưng phía TTHMNĐ không đồng ý. TAND quận Tân Bình đã lập biên bản hòa giải không thành và chuẩn bị đưa vụ kiện ra xét xử theo quy định.
“Nhân đạo” mà không nhân đạo!
Bà Nguyễn Thị Kim Chi ký HĐLĐ không xác định thời hạn với TTHMNĐ từ năm 2004. Trong suốt thời gian làm việc, bà không vi phạm kỷ luật nào nghiêm trọng, được nhận các danh hiệu chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến và bằng khen “10 năm vì sự nghiệp Chữ thập đỏ”.
Tuy nhiên, vào tháng 3-2016 đã xảy ra sự cố khi bà Chi bị Chi hội CTĐ quận Bình Tân phản ánh có thái độ bất hợp tác trong lần đi tiếp nhận hiến máu tại địa phương này vào ngày 20-3, gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị này. Sau phản ánh này, TTHMNĐ tiến hành họp kỷ luật bà Chi và ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với bà từ ngày 15-7-2016.
Theo quyết định này, bà Chi bị chấm dứt HĐLĐ với lý do “vi phạm nghiêm trọng nội quy”, “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc đạo đức của trung tâm”, “làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của trung tâm”. Bên cạnh đó, bà Chi còn bị chấm dứt HĐLĐ vì lý do chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn theo Thông tư 04/2014/TT-BYT.
Tuy nhiên, theo bà Chi, diễn biến thực tế không đúng như phản ánh của Chi hội CTĐ quận Bình Tân. Trong buổi tiếp nhận máu ngày 20-3, số lượng người hiến máu vượt quá chỉ tiêu dự kiến. “Theo dự kiến chỉ tiếp nhận máu của 150 người nhưng sau đó lại tăng thêm thành 180 và sau cùng tăng thêm thành 223 đơn vị. Việc cố sức lấy máu vượt quá khả năng là nguy hiểm khi nhân viên lấy máu bị quá tải có thể làm sai quy trình, gây nhầm lẫn, sai sót ảnh hưởng đến chất lượng máu và sức khỏe người cho máu nên tôi phải phản ứng. Việc quá tải trong giai đoạn tôi công tác thường xuyên diễn ra, nhiều lần tôi kiến nghị chấn chỉnh nhưng bị quy chụp thành chống đối, vô kỷ luật, vi phạm nội quy” - bà Chi trình bày tại tòa.
Một đồng nghiệp của bà Chi tại TTHMNĐ xác nhận sự cố quá tải ngày 20-3 và cho biết thêm: “Thậm chí quà tặng người hiến máu hôm đó cũng không đủ khiến người cho máu phải đến lấy quà sau. Dụng cụ lấy máu rối lên, mất rất nhiều thời gian để rà soát, kiểm tra lại. Các sai sót này thường xảy ra và cô Chi cũng đã từng phản ảnh rất nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Hơn nữa, hôm đó cô Chi chỉ là nhân viên, không có thẩm quyền quyết định việc có lấy máu tiếp hay không nên quy trách nhiệm cho cô Chi là không hợp lý. Cô Chi chỉ than phiền khi số lượng vượt quá chỉ tiêu chứ không hề tự ý bỏ việc” - vị đồng nghiệp này khẳng định.
Quyết định mâu thuẫn
Hồ sơ vụ việc cho thấy quyết định chấm dứt hợp đồng của TTHMNĐ cũng tiền hậu bất nhất. Theo đó, phần căn cứ quyết định ghi là “căn cứ thông báo về việc chấm dứt hợp đồng với bà Nguyễn Thị Kim Chi...”. Điều này chứng tỏ trung tâm đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà Chi theo điều 38 Bộ Luật Lao động.
Tuy nhiên, trong phần quyết định thì lại không ghi lý do đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo các nội dung của điều 38 mà lại là “vi phạm nghiêm trọng nội quy của TTHMNĐ...”. Đây chính là sa thải người lao động theo quy định tại điều 125 Bộ Luật Lao động. Thế nhưng, nếu áp dụng điều 125 thì lại không có căn cứ vì bà Chi không trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy... Bà Chi cũng không tái phạm trong thời gian bị kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc bị cách chức. Bà Chi cũng không tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng.
Chưa hết, việc trung tâm căn cứ vào Thông tư 04/2014/TT-BYT cho rằng bà Chi chưa đáp ứng đủ yêu cầu về bằng cấp cũng không có sức thuyết phục. Bởi thông tư có điều khoản chuyển tiếp đối với các TTHMNĐ thành lập trước ngày thông tư có hiệu lực (năm 2014), cho phép các trung tâm này kiện toàn bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất. Bà Chi cho biết: “TTHMNĐ được thành lập rất lâu từ trước khi thông tư có hiệu lực, lẽ ra tôi phải được tạo điều kiện đi học để chuẩn hóa trình độ chứ không phải vịn cớ khác để cho nghỉ việc như vậy”.
Đáng nói là sau khi nhận đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Kim Chi, phóng viên Báo Người Lao Động đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo TTHMNĐ để có câu trả lời thỏa đáng nhưng lãnh đạo trung tâm này, bác sĩ Trần Thị Như Tố, từ chối tiếp xúc và bình luận về việc này.
Lý do chung chung, mơ hồ
Theo luật sư Nam Giao, Văn phòng Luật sư Nam Giao, quyết định chấm dứt HĐLĐ của TTHMNĐ chưa hợp lý và không phù hợp với các quy định hiện hành trong lĩnh vực lao động. Trong đó các lý do đưa ra để chấm dứt hợp đồng rất chung chung và mơ hồ khi xét trong cả hình thức sa thải hay đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Bình luận (0)