Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ). Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc kéo dài thời gian làm việc trong ngày giúp doanh nghiệp (DN) tăng sự linh hoạt trong sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập.
Theo tôi, lý lẽ của Bộ LĐ-TB-XH khi đề xuất nới rộng khung giờ làm thêm là chưa thuyết phục. Thực tế, ở nhiều địa phương, hiện tượng DN ép buộc NLĐ làm thêm giờ rất phổ biến. Nhiều DN thậm chí cho NLĐ tăng ca từ 800 - 1.000 giờ/năm, thậm chí hơn, trong khi luật chỉ cho phép tối đa 300 giờ. Do thu nhập quá thấp, lại ở thế yếu nên đại bộ phận NLĐ phải chấp nhận tăng ca, dù biết rằng việc bị vắt kiệt sức trong một thời gian dài sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường. Một khi sức khỏe NLĐ suy kiệt thì DN cũng không giải quyết được vấn đề tăng năng suất lao động, chưa kể NLĐ phải đối diện nguy cơ tai nạn lao động.
Doanh nghiệp tăng giờ làm thêm phải thỏa thuận với người lao động Ảnh: AN CHI
Từ thực tế này, theo tôi, việc đề xuất tăng giờ làm thêm cần phải được xem xét trên nhiều khía cạnh. Khung giờ làm thêm phải được tính toán kỹ để vừa giải quyết được những khó khăn của DN vừa bảo đảm được quyền lợi cũng như sức khỏe của NLĐ. Chủ sử dụng lao động chỉ có thể yêu cầu làm thêm giờ khi được NLĐ đồng ý, phải có sự thỏa thuận giữa hai bên về thời gian làm thêm cũng như tiền lương. Việc huy động NLĐ làm thêm giờ nhiều tháng liên tục cần đi kèm điều kiện ràng buộc DN như: phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý, trả lương và đãi ngộ hợp lý cho NLĐ khi làm thêm giờ. Nếu tăng giờ làm thêm thì dự thảo cần xem xét giảm thời gian làm việc chính thức từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần tối đa cho NLĐ để bảo đảm tái tạo sức lao động. Tôi đồng ý với phương án trả lương lũy tiến cho NLĐ vì sẽ giúp tránh những trường hợp DN lợi dụng làm thêm giờ nhưng không tăng tiền thêm cho NLĐ, khiến NLĐ bị thiệt thòi, sức khỏe bị vắt kiệt.
Bình luận (0)