Tại tờ trình dự án Luật BHXH (sửa đổi) của Chính phủ gửi Quốc hội vào tháng 10-2023, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án giải quyết BHXH một lần. Phương án 1: người lao động (NLĐ) có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần.
Phương án 2: NLĐ chỉ được giải quyết không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, phần còn lại bảo lưu để tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Người lao động làm thủ tục rút BHXH 1 lần tại BHXH TP Thủ Đức, TP HCM (Ảnh: Huỳnh Như)
Góp ý về Luật BHXH, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng nếu phải lựa chọn giữa 2 phương án thì ông sẽ chọn phương án 1 bởi nhiều trường hợp khi rơi vào túng quẫn, bị mất việc và khó quay lại thị trường lao động thì ít nhất họ vẫn còn một hướng giải quyết là rút BHXH một lần. Tuy nhiên ông Hồng đồng tình với việc cần phải thay đổi suy nghĩ của NLĐ về chính sách BHXH trong thời gian tới.
Ông Hồng nói: "Trong công tác tuyên truyền phải cho NLĐ thấy được rằng ngoài lương hưu, họ còn có trong tay tấm thẻ BHYT trọn đời cùng nhiều lợi ích khác. NLĐ phải thấy được bản thân họ hoặc con cháu, cha mẹ họ có lợi thì họ mới cân nhắc, lựa chọn. Dĩ nhiên, những chế độ này phải đủ hấp dẫn".
Người lao động rất mong muốn có một chính sách BHXH bền vững (Ảnh: Hồng Đào)
Góp ý về 2 phương án rút BHXH một lần, Chủ tịch Công đoàn một doanh nghiệp chuyên cung ứng nhân sự bảo vệ, tạp vụ với 200 lao động (đóng tại huyện Bình Chánh, TP HCM) lựa chọn phương án 2.
Lý giải nguyên do, vị này cho hay phần đông lao động tại doanh nghiệp là lao động tại địa phương, không quá áp lực về kinh tế, nên họ muốn có công việc ổn định, lâu dài và thu nhập chỉ cần vừa đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy, với họ lương hưu như một khoản "phòng thân" và đỡ một phần gánh nặng cho con cháu khi về già.
"Tuy nhiên với phương án này, cần tính toán làm sao để chế độ hưu trí hấp dẫn hơn, ít nhất cũng phải tiệm cận với mức sống tối thiểu của NLĐ, bởi lẽ tiền lương hưu nếu dựa trên 50% thời gian đóng BHXH còn lại sẽ thấp. Việc lựa chọn phương án này có thể đi ngược với ý kiến của số đông NLĐ, song tôi cho rằng đây chính là phương án hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh lâu dài cho NLĐ" - vị này nói
Còn ông Nguyễn Trọng Nhân, Bí thư Chi bộ KCN Đông Nam (huyện Củ Chi, TP HCM) lại có một cách nhìn khác. Theo ông Nhân đây là thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp, NLĐ và cả người làm chính sách. Thời điểm này nhiều lao động mất việc, khó khăn, họ muốn về quê lập nghiệp hoặc có một số vốn để làm ăn, sinh sống nên chọn việc rút BHXH một lần.
Ông Nhân đề xuất nên để cho NLĐ lựa chọn việc rút hay không rút BHXH một lần. "Tôi mong muốn có thêm 1 phương án thứ 3, gia giảm nhiều nhất cho NLĐ và chính sách BHXH có thể chịu thiệt hơn, làm sao để NLĐ vượt qua khó khăn trước mắt. Theo tôi nên cho NLĐ rút 80% và giữ lại 20%. Với 20% này vẫn giữ NLĐ ở lại với quỹ và họ có thể tiếp tục đóng để hưởng các chính sách tốt đẹp của quỹ BHXH. Trong thời gian tới, kinh tế phục hồi, NLĐ có thể quay lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH"- ông Nhân đề xuất.
Bình luận (0)