Cái vòng luẩn quẩn ấy khiến họ không có thời gian tham gia hoạt động do Công đoàn (CĐ) khởi xướng. Thực tế này đòi hỏi hoạt động CĐ ở doanh nghiệp (DN) phải liên tục đổi mới nếu muốn thu hút người lao động tham gia. Đây là trăn trở của các đại biểu tại tọa đàm "Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ban nữ công quần chúng khu vực ngoài nhà nước" do LĐLĐ TP HCM tổ chức mới đây.
Nữ công nhân Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu May Phương Nam tập thể dục giữa giờ
Theo các đại biểu, ưu tiên của DN là sản xuất, do vậy rất khó để CĐ cơ sở triển khai các mặt hoạt động, đặc biệt là ở thời điểm đơn hàng gấp. Do CN làm việc theo ca nên việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ cũng gặp không ít trở ngại. Số đông CN ở trọ phải dành thời gian chăm sóc gia đình, con cái nên việc tham gia sinh hoạt thể thao, giải trí cũng rất hạn chế. Do vậy, theo các đại biểu, để nữ CN an tâm làm việc và khuyến khích họ tham gia sinh hoạt, điều kiện cần là chính sách chăm lo của DN phải tốt. Hoạt động của CĐ cơ sở cũng phải đổi mới, bám sát thực tiễn đời sống người lao động.
Điển hình như CĐ Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú, TP HCM) đã chủ động đề xuất ban giám đốc bố trí phòng vắt sữa tại xưởng để hỗ trợ nữ CN có con nhỏ. CĐ cơ sở còn đề xuất ban giám đốc cải thiện điều kiện làm việc và bố trí công việc phù hợp cho những lao động nữ (LĐN) đang mang thai. Những việc làm thiết thực này bước đầu giúp LĐN có một cái nhìn rõ hơn về vị trí, vai trò của CĐ, từ đó tích cực tham gia các hoạt động do CĐ tổ chức.
Tại quận 6, TP HCM, mô hình CLB Ban nữ công ngoài nhà nước cũng bước đầu phát huy tác dụng khi đội ngũ cán bộ nữ công thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng thương lượng, thỏa ước lao động tập thể. Thông qua hoạt động thiết thực này, thành viên CLB có thể thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ, đặc biệt là tích lũy thêm kinh nghiệm tập hợp LĐN.
Theo bà Trịnh Thanh Hằng, Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam, rất nhiều chính sách cho LĐN được ban hành nhưng việc triển khai tại DN còn hạn chế và điều này gây thiệt thòi cho LĐN. Do vậy, để hoạt động nữ công đi vào thực chất, ngoài tăng cường công tác giám sát thực hiện chính sách, đội ngũ cán bộ CĐ phải sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để từ đó có những đề xuất xác đáng nhằm cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần cho LĐN. Được bảo đảm việc làm và phúc lợi, chắc chắn LĐN sẽ cảm thấy phấn khởi, từ đó tích cực tham gia hoạt động CĐ.
Bình luận (0)