Nói về lý do chọn ngành bảo dưỡng công nghiệp để theo đuổi sự nghiệp, chị Hồ Thụy Bảo Như, quản lý sản xuất phân xưởng thực phẩm của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, cho biết từ nhỏ đã có suy nghĩ hơi ngược với số đông. Cho nên khi vào đại học, Như đã chọn ngành học "dương thịnh, âm suy".
Dừng lại là tụt hậu
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Như đã quyết tâm tìm kiếm cơ hội làm việc trong những doanh nghiệp (DN) sản xuất hiện đại để có đất dụng võ. Đó là lý do vì sao trong kỳ thực tập cuối khóa, Như đã chọn Unilever để kiến tập và tự tạo cơ hội cho mình. Năm 2016, Như tốt nghiệp, Unilever đang mở rộng cánh cửa chào đón những tài năng đã thể hiện tốt trong kỳ thực tập trước đó.
Bắt tay vào công việc toàn thời gian, Như được các đồng nghiệp đi trước chỉ bảo tận tình, tạo điều kiện tối đa để phát huy năng lực. Với Như, làm sao để người lao động (NLĐ) được làm việc một cách thoải mái, thuận lợi và tăng năng suất lao động là ưu tiên. Đó cũng là mục tiêu chị hướng đến khi thực hiện những sáng kiến, cải tiến.
"Khi đề xuất đề tài cải tiến, tôi và các đồng nghiệp phải khảo sát rất kỹ, đánh giá mọi góc độ và nhận định tính khả thi, tính hiệu quả rồi mới trình lên cấp trên. Thường thì chúng tôi xếp thứ tự ưu tiên làm lợi cho NLĐ, làm lợi cho DN và cuối cùng là góp phần làm lợi cho môi trường sống xanh sạch hơn" - chị Như nói.
Qua quan sát, Như nhận thấy khu vực phòng cân và đổ bột thường phát tán bụi lớn, do vậy, việc lắp đặt hệ thống làm mát là máy lạnh gia đình là không phù hợp. Thực tế, hệ thống làm lạnh ở khu vực này thường xuyên tắt nghẽn do bụi, phải vệ sinh và bảo trì trung bình 1-2 lần/tuần, điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, đặc biệt là sức khỏe NLĐ.
Ông Đặng Văn Song (bên phải), luôn tận tình giúp đỡ đồng nghiệp trẻ. Ảnh: THANH NGA
Từ trăn trở ấy, Như đưa ra ý tưởng "Thay đổi công nghệ làm lạnh tại khu vực phòng cân và đổ bột từ máy lạnh thông thường sang hệ thống làm lạnh trung tâm. Sáng kiến này giúp tối ưu hóa hiệu suất làm lạnh khu vực và tăng tuổi thọ thiết bị trong điều kiện môi trường không phù hợp với máy lạnh.
Bảo đảm điều kiện làm việc cho nhân viên và tiêu chuẩn GMP đã ra đời. "NLĐ tại bộ phận này rất phấn khởi bởi môi trường làm việc được cải thiện, năng suất lao động cũng tăng lên. Sáng kiến này cũng giảm hơn 50% chi phí bảo trì, sửa chữa và thiệt hại kéo theo do hệ máy lạnh bị sự cố gây ra" - Như tự hào kể lại.
Nói về lý do liên tục đưa ra những sáng kiến, Như cho rằng mình được đào tạo để làm những công việc như vậy. Nếu không tìm tòi, sáng tạo trong công việc, tự thân mình sẽ tự đào thải. May mắn của chị là những sáng kiến ấy được lãnh đạo, ban giám đốc công ty đánh giá cao về hiệu quả nên có thêm động lực để tiếp tục cho ra đời những đề tài mới. Không chỉ giỏi nghề, Như cũng là người truyền cảm hứng cho thợ trẻ khi luôn động viên, hỗ trợ họ lúc khó khăn.
Giúp công nhân bớt nhọc nhằn
11 năm làm công nhân (CN) vệ sinh lòng cống tại Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM, nếm trải đủ vất vả cực nhọc đã khiến ông Đặng Văn Song, Phó Giám đốc Chi nhánh Thoát nước Tây thành phố, quyết tâm vượt khó vươn lên.
Chị Hồ Thụy Bảo Như luôn đòi hỏi khắt khe ở bản thân và nỗ lực phấn đấu không ngừng. Ảnh: GIANG NAM
Năm 1997, ông Song bắt đầu công việc vệ sinh cống thoát nước tại Chi nhánh Thoát nước số 2. Khi ấy, công việc này rất nặng nhọc, bảo hộ sơ sài, tất cả mọi việc từ khuân đá, đào đường, nạo vét, quay lồng… đều thủ công. Dù vất vả, ông Song vẫn chấp nhận vì miếng cơm manh áo. Cơ hội đến với ông vào năm 2001 khi Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tuyển sinh chuyên ngành cấp thoát nước khu vực phía Nam.
Tận dụng cơ hội này, ông Song và một số đồng nghiệp gom góp tiền thuê giáo viên ôn thi suốt một năm trời. Kết quả cho sự kiên trì ấy là ông thi đậu đại học. Ra trường, ông Song được chuyển sang bộ phận kỹ thuật, được điều động sang nhiều chi nhánh trước khi về làm phó giám đốc tại Chi nhánh Thoát nước Tây thành phố.
Quá trình ấy giúp ông góp nhặt nhiều kinh nghiệm kết hợp với những kiến thức đã được học, ông bắt đầu có những ý tưởng cải tiến táo bạo. Điển hình như giải pháp chặn cống hộp được thực hiện năm 2022. Ông Song cho biết Chi nhánh Thoát nước Tây thành phố được giao quản lý, duy tu nạo vét nhiều tuyến cống hộp.
Các tuyến cống này nằm sâu và thường xuyên bị ngập nước, khi duy tu nạo vét đều phải chặn, bơm nước để thi công. Để duy tu, CN phải dùng cây chặn ngang cống sau đó dùng ván hoặc tấm thép thả đứng xuống và dùng bao cát xếp chồng lên để tạo độ kín trước khi bơm nước ra ngoài. Quy trình này vừa mất thời gian, vừa gây nguy hiểm cho anh em CN, nhất là vào mùa mưa.
Hiểu được vất vả của họ, ông Song đã dày công nghiên cứu, thiết kế ra "tấm chặn cống hộp" bằng thép. Tấm chặn tháo lắp dễ dàng, nhanh chóng chỉ mất chưa đến 30 phút, tiết kiệm được 48 ngày công và hơn 180 lít nhiên liệu cho mỗi lần chặn, đặc biệt là giảm sự nặng nhọc cho CN. Giải pháp này đã được áp dụng từ cuối năm 2022, làm lợi cho công ty 2,5 tỉ đồng mỗi năm. Ngoài tấm chặn cống hộp, ông Song còn có nhiều cải tiến đáng chú ý như cải tiến "Thanh chuyền quay lòng cống cải tiến" hay "Cầu phá mỡ trong lòng cống tròn".
Bình luận (0)