Sau hơn 11 năm cống hiến cho Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment Việt Nam (quận 7, TP HCM), ngày 5-7-2019, bà N.T.B.M.L, Giám đốc nghiệp vụ quản lý quỹ, đột ngột bị cho thôi việc. Bên cạnh lý do nghỉ việc chưa thỏa đáng, cách hành xử của công ty khiến bà L. bị tổn hại đến uy tín, danh dự.
Mất việc vì tố cáo sai phạm
Bà L. cho biết ngày 20-7-2008, công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn với bà, chức vụ trưởng bộ phận giao dịch quỹ, sau đó được bổ nhiệm làm giám đốc nghiệp vụ quản lý quỹ. Ngày 5-7-2019, lấy lý do "thay đổi cơ cấu tổ chức", công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà L. từ ngày 20-8-2019. Theo thông báo, từ ngày 6-7-2019, bà L. không phải đến công ty làm việc nhưng vẫn được trả lương đầy đủ đến thời điểm nghỉ việc.
Tiếp xúc với chúng tôi, bà L. cho rằng "thay đổi cơ cấu tổ chức" chỉ là cái cớ để công ty "trả đũa" do trước đó bà đã tố cáo đến lãnh đạo Tập đoàn Manulife một số sai phạm của bà T.T.K.C, tổng giám đốc công ty. "Ngày 29-8-2017, tôi gửi đơn tố cáo các sai phạm của bà C. đến tập đoàn nhưng không được giải quyết, ngược lại còn nhiều lần bị lãnh đạo tập đoàn đe dọa cho thôi việc. Các bước "thay đổi cơ cấu tổ chức" công ty thực hiện sau đó thực chất chỉ nhắm đến cá nhân tôi" - bà L. khẳng định.
Cụ thể, tháng 10-2018, công ty tuyển thêm 1 nhân sự là bà P.T.K.V và tiến hành chia tách bộ phận nghiệp vụ quản lý quỹ vốn do bà L. quản lý (gồm 5 nhân sự) thành bộ phận giao dịch quỹ và nghiệp vụ quản trị quỹ. Lúc này, bà L. được giao phụ trách bộ phận giao dịch quỹ, chỉ với 1 nhân viên. Bộ phận còn lại do bà V. phụ trách cùng 4 nhân viên. Đáng nói là bà V. không đáp ứng đủ điều kiện để hành nghề đối với vị trí trưởng phòng hay giám đốc nghiệp vụ của một công ty quản lý quỹ theo quy định.
Đến tháng 5-2019, khi lập phương án sử dụng lao động gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, lấy cớ bộ phận giao dịch quỹ dư thừa lao động, công ty chấm dứt HĐLĐ với bà L. Tuy nhiên, phương án sử dụng lao động lại không có ý kiến của Công đoàn cơ sở.
Phiên xử tranh chấp lao động giữa bà H.H và công ty tại TAND quận Thủ Đức, TP HCM
Chưa hết, trong các ngày 15-7 và 7-8-2019 (thời điểm bà L. đã nghỉ việc), công ty đã giả mạo chữ ký của bà L. trên các báo cáo tài chính quý II/2019 và tháng 7-2019 của Quỹ Đầu tư cân bằng Manulife (MAFBAL), Quỹ Đầu tư cổ phiếu Manulife (MAFEQI). Quá đáng hơn là vào ngày 28-8-2019, công ty còn công bố số chứng minh nhân dân và quyết định chấm dứt HĐLĐ của bà L. lên website của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) mà chưa được sự đồng ý của bà.
Sau khi bà L. gửi tố cáo sai phạm, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 92/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính, buộc công ty phải nộp phạt 100 triệu đồng do các hành vi: công bố thông tin cá nhân của bà L. trên trang thông tin điện tử của công ty và UBCKNN khi chưa có sự đồng ý của bà; công bố thông tin không đúng thời hạn về việc thay đổi người được ủy quyền công bố thông tin của Quỹ MAFEQI và Quỹ MAFBAL; bổ nhiệm trưởng phòng nghiệp vụ quản trị quỹ chưa có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.
Trả lời Báo Người Lao Động về vụ việc của bà L., bà Nguyễn Thùy Linh, Trưởng Bộ phận Truyền thông & Tiếp thị - Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment Việt Nam, cho biết vụ việc đang chờ tòa án giải quyết, công ty sẽ không đưa ra bất cứ bình luận gì. Công ty tin rằng các khiếu nại của bà L. không có cơ sở và ban giám đốc luôn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Trả giá
Trong phiên xử sơ thẩm mới đây, TAND quận Thủ Đức, TP HCM đã tuyên buộc một doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất nước giải khát phải bồi thường hơn 172 triệu đồng cho bà H.H, nguyên nhân viên hành chính hỗ trợ bán hàng của công ty, đồng thời phải nhận bà trở lại làm việc.
Theo đơn khởi kiện, trong khoảng thời gian từ năm 2017- 2018, bà H. phát hiện sai phạm của một số nhân viên trong công ty và báo cáo lên ban giám đốc lẫn tập đoàn có trụ sở tại Mỹ. Tuy nhiên, báo cáo của bà không được giải quyết thỏa đáng, ngược lại ngày 10-1-2019, bất chấp sự phản đối của Công đoàn cơ sở, công ty ra quyết định xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải đối với bà vì đã có hành vi vu khống lãnh đạo và nhân viên công ty, đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho DN 1,7 tỉ đồng.
Đây là số tiền công ty ước tính phải chi để tuyển dụng nhân sự mới nếu những nhân viên bị bôi nhọ, vu khống khủng hoảng tinh thần và nghỉ việc. Tại phiên xử, công ty không chứng minh được hành vi của bà H. là vu khống ai, nội dung vu khống thế nào. Đồng thời, những chứng cứ công ty cung cấp cho tòa cũng không có căn cứ, không đúng quy định pháp luật lao động về xử lý kỷ luật sa thải người lao động (NLĐ).
Do vậy, hội đồng xét xử đã tuyên hủy quyết định kỷ luật sa thải, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H. và buộc công ty bồi thường các khoản theo luật định với số tiền nêu trên.
Làm xấu hình ảnh doanh nghiệp
Bà H.H chia sẻ: "Khi bắt đầu làm việc, tất cả nhân viên đều được công ty phổ biến về Quy tắc đạo đức kinh doanh. Trong đó, khuyến khích NLĐ mạnh dạn phản ánh các mối quan tâm, các vấn đề quan ngại công ty cần giải quyết. Người tố cáo sai phạm sẽ được bảo vệ và các hành động thù nghịch bao gồm sa thải, giáng chức, đình chỉ việc làm, mất quyền lợi, hăm dọa, sách nhiễu... được xem là trái quy tắc và bị nghiêm cấm. Thế nhưng, chính công ty lại không tuân thủ quy tắc này. Điều này không chỉ đánh mất niềm tin mà còn làm xấu đi hình ảnh của DN trong mắt NLĐ".
Bình luận (0)