Tổ chức Công đoàn (CĐ) đóng vai trò rất quan trọng trong quan hệ lao động, đặc biệt là quá trình thương lượng tập thể (TLTT), giải quyết tranh chấp lao động và đình công… Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập sắp tới, ngoài CĐ sẽ có thêm nhiều tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) khác nữa được thành lập trong doanh nghiệp (DN). Vậy tổ chức đại diện NLĐ nào sẽ đảm nhiệm các chức năng, nhiệm vụ ấy trong tương lai? Đây là vấn đề được đề cập khá nhiều tại hội thảo góp ý kiến về dự thảo Bộ Luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức tại TP HCM mới đây.
Không hạn chế quyền thương lượng
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong lần sửa đổi BLLĐ lần này, vấn đề xác định và lựa chọn mô hình TLTT vẫn tuân thủ các nguyên tắc: một đơn vị sử dụng lao động chỉ có một thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); TƯLĐTT được áp dụng cho toàn bộ NLĐ; TƯLĐTT phải được trên 50% tổng số NLĐ thông qua trước khi ký kết và thực hiện.
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hóc Môn, TP HCM hòa giải một vụ tranh chấp lao động
Đáp ứng nguyên tắc này trong bối cảnh có đa tổ chức đại diện NLĐ tại DN, dự án BLLĐ (sửa đổi) đã đưa ra 2 phương án xác định tổ chức đại diện NLĐ được quyền TLTT. Ở phương án 1, mọi tổ chức đại diện NLĐ có trên 10% (trên tổng số lao động) hoặc 100 NLĐ là thành viên đều có quyền yêu cầu TLTT. Còn theo phương án 2, tổ chức đại diện nào chiếm đa số sẽ có quyền yêu cầu TLTT. Trường hợp không có tổ chức chiếm đa số thì các tổ chức có thể liên kết nhau trên cơ sở tự nguyện để tiến hành TLTT. "Cả 2 phương án trên đều có những hạn chế riêng nên dù là thành viên trong ban soạn thảo, bản thân tôi cũng chưa thực sự hài lòng và yên tâm với cả hai phương án" - ông Bình chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, theo ông Nguyễn Chí Công, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Nghệ An, phương án 1 tuy bảo đảm quyền tự do TLTT của các tổ chức đại diện NLĐ và thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức nhưng lại dễ gây tranh chấp giữa các tổ chức nhằm tranh giành quyền đại diện. Với phương án còn lại, tránh được sự xung đột giữa các tổ chức nhưng lại hạn chế quyền tự do TLTT của các tổ chức đại diện NLĐ.
Người lao động cần có nhiều sự lựa chọn
Quy trình giải quyết tranh chấp lao động, đình công được thiết kế bao gồm nhiều bước bắt buộc, theo trình tự, nếu không qua được bước này thì không được đi bước tiếp theo. Theo các chuyên gia lao động, quy trình này được xem như "con đường độc đạo" và dẫn đến kết quả là trong thời gian qua, các bên quan hệ lao động đã không thể đi được trên con đường đó. Khi có bức xúc, NLĐ tự tìm đường cho mình là "đình công tự phát" để giải quyết vấn đề.
Để khắc phục bất cập này, dự thảo BLLĐ lần này đã mở thêm con đường mới để NLĐ lựa chọn. Đó chính là mở rộng phạm vi áp dụng, thẩm quyền và đổi mới phương thức hoạt động của hội đồng trọng tài (HĐTT). Điều chỉnh này giúp NLĐ có nhiều sự lựa chọn để giải quyết tranh chấp, song vẫn có không ít ý kiến bày tỏ sự hồ nghi về hiệu quả của HĐTT. Ông Trần Hảo Trí, Phó trưởng Phòng Quản lý lao động các KCX-CN TP HCM, đặt vấn đề: "Trước đây NLĐ đều chọn con đường ngừng việc tập thể để đòi quyền lợi vì đây là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất và họ cũng không bị thiệt thòi gì vì trên thực tế, dù đình công đúng hay trái luật, NLĐ vẫn được hưởng lương đầy đủ. Nếu chúng ta vẽ thêm con đường mới thì liệu NLĐ có chịu đi hay không?".
Cùng quan điểm, Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM), cho biết thực tế, lực lượng hòa giải viên lao động tại các quận, huyện góp vai trò khá quan trọng trong giải quyết tranh chấp lao động. Vấn đề đặt ra là cần phải sử dụng nguồn lực này sao cho phát huy tối đa tác dụng nhằm giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp lao động, thay vì phá bỏ tất cả để xây dựng con đường giải quyết tranh chấp mới. Nếu dự thảo luật muốn hướng các bên có liên quan cùng đi trên con đường mới thì phải xây dựng biện pháp chế tài hiệu quả, tức mọi phán quyết của HĐTT phải có hiệu lực và bảo đảm khả năng thực thi.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương:
Rút ngắn quy trình, thời gian hòa giải tranh chấp
Quy trình hòa giải thông qua hòa giải viên hay HĐTT theo quy định của pháp luật hiện hành khá nhiêu khê, phức tạp và mất nhiều thời gian, trong khi bức xúc của NLĐ cần giải tỏa ngay. Dự thảo BLLĐ sửa đổi lần này đã mở ra con đường mới để NLĐ có thêm sự lựa chọn để giải quyết tranh chấp lao động nhưng lại chưa khắc phục được những vướng mắc, tồn tại nêu trên. Ban soạn thảo cần nghiên cứu rút gọn quy trình, thời gian hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động, đình công để giải quyết kịp thời các cuộc tranh chấp lao động và hướng các vụ đình công tự phát đi vào đúng quỹ đạo luật định.
Bình luận (0)