Các văn bản này quy định rằng khi đủ điều kiện hưởng lương hưu thì kể từ năm đóng BHXH thứ 16 trở đi, mỗi năm lao động nữ sẽ được cộng thêm 3% tiền lương, mức tối đa là 75%. Nếu quyền lợi của chúng tôi không được thực hiện theo các quy định nêu trên thì có nghĩa là nhà nước đã làm sai". Đây là nội dung đơn khiếu nại của tập thể lao động nữ tại một doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn quận Bình Tân, TP HCM gửi đến Báo Người Lao Động hôm 20-10.
Trong thư, người lao động (NLĐ) nói họ không cần ưu tiên mà chỉ muốn công bằng. Tại sao Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) lại hồi tố cho những người đã tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực? Điều này là trái nguyên tắc của pháp luật Việt Nam. Theo đó, văn bản quy phạm pháp luật chỉ có hiệu lực điều chỉnh đối với những quan hệ xã hội phát sinh từ khi văn bản đó có hiệu lực, nó không có hiệu lực ngược lại thời gian (hồi tố). Chính vì thế, quy định về việc giảm lương hưu của lao động nữ, nếu có thực hiện thì chỉ có thể áp dụng với người tham gia BHXH sau ngày 1-1-2016 chứ không thể áp đặt đối với người đã tham gia BHXH trước thời điểm đó.
Điều không công bằng thứ hai là việc áp dụng khác nhau giữa nam và nữ. Trong khi việc kéo dài thời gian đóng BHXH của nam giới để được hưởng mức lương hưu tối đa 75% được thực hiện lần lượt từng năm thì cớ gì với lao động nữ lại đột ngột cắt giảm chỉ sau một đêm? Điều này mà gọi là bình đẳng, là công bằng hay sao?
Luật BHXH 2014 đã để lọt một quy định gây thiệt hại quyền lợi cho hàng triệu lao động nữ; đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về chăm lo cho lao động nữ - đa số vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi bởi những định kiến xã hội, bởi những trách nhiệm nặng nề đặt trên vai chưa tương xứng với quyền lợi mà họ được hưởng.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là quy định về giảm lương hưu của lao động nữ sẽ có hiệu lực. Những ngày vừa qua, dư luận lại rộ lên những âu lo. NLĐ âu lo cho quyền lợi của họ bị cắt giảm nên tìm cách "thoát thân". Doanh nghiệp âu lo trước nguy cơ biến động lao động và bất ổn cho sản xuất, kinh doanh. Còn người quản lý thì âu lo một chính sách không phù hợp sẽ khiến NLĐ từ bỏ.
Không phù hợp thì sửa. Việc này là bình thường và đã có tiền lệ. Chỉ sợ biết sai mà không sửa thì sẽ càng khiến cho niềm tin của NLĐ đổ vỡ. Điều đó còn đáng lo hơn là chuyện bảo toàn Quỹ BHXH bằng "thủ thuật" cắt chỗ này, kéo dài chỗ kia…
Bình luận (0)