Giữa cái nắng chói chang của những ngày cuối tháng 7, chị Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Trung tâm Phục hồi Chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật quận 3, TP HCM, cất công đến nhà các gia đình nhân viên trung tâm là con thương binh, liệt sĩ để thăm hỏi, tặng quà. Những lời động viên chân thành của nữ chủ tịch CĐ khiến họ ấm lòng.
Mẹ của hơn trăm đứa con
Quê ở Quảng Nam, chị Tuyết theo gia đình vào định cư tại huyện Củ Chi, TP HCM từ nhỏ. Cha bị đau cột sống, không thể làm việc nặng nên một mình mẹ chị gánh vác đàn con 7 đứa. "Từ nhỏ tôi phải đi làm thuê, làm mướn đủ thứ để phụ mẹ nuôi em nên nếm trải đủ mọi vất vả, cực khổ. Do vậy. khi chọn nghề nuôi dạy trẻ khuyết tật, những khó khăn không làm tôi chùn bước" - chị kể.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (trái) hướng dẫn bảo mẫu tập luyện cho trẻ
Tốt nghiệp trung cấp mầm non, chị về dạy ở một nhà trẻ tại huyện Củ Chi. Năm 1990, chị về làm việc tại Trung tâm Phục hồi Chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật quận 3. Năm 2011, chị được ban giám đốc phân công phụ trách khoa phục hồi chức năng. Khoa đang nuôi dạy 134 trẻ bại não, down, chậm phát triển, tự kỷ, trong đó có 11 bé nội trú và 3 trẻ mồ côi với 55 bác sĩ, bảo mẫu, điều dưỡng, nhân viên vật lý trị liệu. Công việc của chị là đánh giá trẻ đầu vào, phân trẻ vào các nhóm lớp, phối hợp với giáo viên, bác sĩ lên kế hoạch dạy, phục hồi chức năng cho từng trẻ… nên công việc vô cùng bận rộn.
Khi chúng tôi đang trò chuyện, bên ngoài bỗng có tiếng la hét và một điều dưỡng hớt hải chạy vào báo chị có một bé bị động kinh. Đã quá quen với những tình huống tương tự nên chị bình tĩnh chạy ra cho bé uống thuốc hạ sốt, xoa bóp và chườm mát… Áp lực công việc hết sức căng thẳng, do vậy, để có thể làm tốt công tác CĐ, chị phải tranh thủ từng giờ, từng phút. Chẳng hạn như mỗi khi có đoàn viên ốm đau, chị phải đi vào buổi trưa hoặc sau giờ làm.
Công việc cơ quan rồi công tác đoàn thể gần như chiếm hết thời gian, vậy mà chị vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được ban giám đốc và đoàn viên quý trọng. Chị Phạm Thị Hồng Thắm, nhân viên Khoa Phục hồi chức năng của trung tâm, nhận xét: "Chị Tuyết là một người giỏi chuyên môn, gần gũi và hết lòng với công việc. Chị hướng dẫn, kèm cặp anh chị em từ việc nhỏ nhất để không xảy ra bất cứ sơ suất nào".
Chăm lo cho từng đoàn viên
Nhiệt huyết, thích các hoạt động xã hội và đoàn thể, năm 2013, chị Tuyết được đoàn viên tín nhiệm bầu làm chủ tịch CĐ cơ sở. Hiểu được đặc thù công việc nên chị luôn quan tâm, chăm lo hết mực cho đoàn viên. "Dẫu biết đây là sự lựa chọn của các em, nhưng đa số họ còn trẻ, phải làm công việc đầy áp lực, vất vả và căng thẳng nên tôi rất thông cảm, muốn chăm lo bằng tất cả khả năng của mình" - chị Tuyết tâm sự.
Không chỉ phối hợp cùng ban giám đốc nâng cao chất lượng bữa ăn và tổ chức nghỉ mát hằng năm cho đoàn viên, chị còn đề xuất khen thưởng người lao động có sáng kiến cải tiến nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, với mức thưởng từ 2 triệu đến 5 triệu đồng/sáng kiến. Cũng vì gần gũi người lao động mà chị hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình, từ đó kịp thời vận động ban giám đốc và tập thể lao động có chính sách chăm lo, hỗ trợ phù hợp cho các trường hợp đặc biệt khó khăn.
Tiêu biểu như trường hợp chị Đỗ Thị Lợi, bảo mẫu của trung tâm. Chị Lợi là con liệt sĩ, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Căn nhà của chị ở đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, TP HCM sau hàng chục năm sử dụng đã xuống cấp trầm trọng nhưng gia đình không có điều kiện nâng cấp. Thông cảm với hoàn cảnh của gia đình, chị Tuyết đã đề xuất LĐLĐ quận 3 hỗ trợ 40 triệu đồng để chị sửa lại nhà.
Cùng với số tiền dành dụm và mượn của bạn bè, chị Lợi đã nâng nền, lát gạch và thay tôn mới. Chứng kiến niềm vui của mẹ con chị Lợi khi được an cư trong căn nhà mới, chị Tuyết và nhiều đồng nghiệp tại trung tâm rất vui. "Được an cư trong căn nhà mới khi sắp về hưu với tôi là niềm hạnh phúc lớn lao. Cảm ơn tổ chức CĐ, đặc biệt là chị Tuyết và các đồng nghiệp đã quan tâm, hỗ trợ gia đình" - chị Lợi xúc động nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-7
Kỳ tới: Hạnh phúc khi được cống hiến
Bình luận (0)