Navigos Group vừa công bố báo cáo "Tình hình thị trường lao động trong năm 2022: Thực trạng và hướng đi". Báo cáo nhận định từ đầu năm 2022 trở lại đây, thị trường lao động Việt Nam nhộn nhịp trở lại với những tín hiệu khởi sắc từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN), mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động (NLĐ). Song, những biến đổi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã dẫn tới những xu hướng mới tại thị trường việc làm và tác động đến nhu cầu tìm việc của NLĐ trong thời gian qua.
Nhiều ngành nghề thiếu hụt nhân sự
Số liệu từ báo cáo của Navigos Group cho thấy gần 87% DN tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó khăn về tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do NLĐ chủ động xin nghỉ gia tăng so với cùng kỳ năm 2021. Có 12% DN có tỉ lệ NLĐ chủ động nghỉ việc lên tới 30% - 40%. Gần 41% DN có tỉ lệ NLĐ chủ động nghỉ việc là 10% - 20%. Đây thực sự là một bài toán nan giải cho các DN khi tình hình sản xuất - kinh doanh đang cần được đẩy mạnh lúc thị trường bắt đầu phục hồi.
Trong khi đó, tình hình thiếu hụt nhân lực tại 2 thành phố lớn nhất cả nước là TP HCM và Hà Nội đang tăng cao. Tỉ lệ thiếu hụt tại TP HCM là gần 23% và tại Hà Nội là gần 15%. Các ngành thiếu hụt nhân lực lớn nhất thuộc về ngành dịch vụ - xây dựng/kiến trúc - bất động sản - bán buôn/bán lẻ - nhà hàng/khách sạn/du lịch - công nghệ thông tin - tài chính/kế toán/kiểm toán...
Theo báo cáo mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dân số Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu vàng nhưng chất lượng lao động chưa cao khi tỉ lệ qua đào tạo quá thấp, chỉ trên 26%, trong khi là nước tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 trong khu vực và duy trì ổn định trong nhiều năm qua. Thị trường lao động Việt Nam đang dư thừa người có kỹ năng thấp và thiếu lao động kỹ thuật cao. Hạn chế trình độ khiến lao động Việt gặp khó trước những biến động lớn như đại dịch Covid-19, xu hướng dịch chuyển việc làm, trong khi lưới an sinh chưa đủ sức đảm đương chống đỡ rủi ro cho NLĐ. Nếu không sớm thay đổi đào tạo, bù đắp các kỹ năng cho NLĐ, có thể dẫn tới nguy cơ mất tính cạnh tranh.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc vận hành Manpower Group Việt Nam, dẫn khảo sát mới nhất của đơn vị này cho thấy chỉ 8,96% lao động Việt Nam có khả năng làm việc từ xa trong bối cảnh DN tăng cường loại hình này sau đại dịch. Lao động có kỹ năng, tay nghề cao chỉ đạt 11,6% và cần cải thiện nhiều kỹ năng mềm lẫn chuyên môn. Chỉ 5% lao động có trình độ tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập sẽ là nhiều hạn chế, chưa đủ cạnh tranh với lao động khu vực.
Theo khảo sát, khoảng 57% DN gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Nếu như trước kia, lương là yếu tố hàng đầu thì hiện nay, chế độ phúc lợi, chính sách như làm việc linh hoạt thời gian mới là điều tiên quyết để thu hút và giữ chân nhân tài.
Doanh nghiệp phỏng vấn ứng viên là sinh viên tại ngày hội việc làm do Trường Đại học Công nghệ TP HCM (HUTECH) tổ chức
Nhiều lựa chọn
Khảo sát trên của Navigos Group cho thấy 51% NLĐ tham gia khảo sát muốn chuyển việc ngay trong 6 tháng cuối năm này. Gần 20% số người tìm việc sẽ chuyển việc trong vòng 1-2 năm tới và 12% sẽ chuyển việc sau 2 năm tới. Tỉ lệ này cho thấy NLĐ đang có nhiều sự lựa chọn cho công việc của mình trong thời gian tới, kéo theo xu hướng cạnh tranh về ứng viên sẽ rất gay gắt trên thị trường lao động trong nửa năm cuối 2022.
Đáng chú ý, 60% số người tìm việc vẫn có việc làm ổn định tại công ty, 20% số người tìm việc đã thôi việc nhưng chưa có việc mới, 15% số người tìm việc đã thôi việc và có việc làm thời vụ, 2% số người tìm việc đã thôi việc và tự ra làm riêng. Tiêu chí khi lựa chọn công việc mới của NLĐ cũng đáng quan tâm. Theo đó, đa số NLĐ chọn 5 tiêu chí, xếp lần lượt là: lương thưởng - chế độ đãi ngộ xứng đáng - môi trường tạo động lực với sếp và đồng nghiệp thân thiện - lộ trình thăng tiến rõ ràng và sức mạnh của thương hiệu DN.
Bà Dương Thúy Quỳnh, Giám đốc truyền thông Navigos Group, cho rằng khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục sau đại dịch Covid-19, hầu hết NLĐ dù đang có việc làm vẫn mong muốn tìm kiếm cơ hội mới để phát triển. Xu hướng thích an toàn, tìm một công việc ổn định hiện nay không được nhiều NLĐ đánh giá cao so với trước đây. Điều này cũng cho thấy trong thời gian tới, DN nên dành nhiều thời gian để nghiên cứu các chiến lược giữ chân nhân viên mới.
Theo quan sát của bà Quỳnh, một thực trạng đáng báo động từ khối nhân sự làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước xin nghỉ việc "theo nguyện vọng cá nhân" có xu hướng tăng nhanh. Nhất là ở lĩnh vực y tế công lập, theo báo cáo của các địa phương, giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã có 9.397 viên chức xin thôi việc, thậm chí bỏ việc. Nhiều địa phương ghi nhận tình trạng này đang gia tăng khiến nhiều đơn vị thiếu nhân lực làm việc. Tuy nhiên, số nhân sự xin nghỉ việc này sẽ làm tăng nhu cầu tìm việc trong khối ngành y tế, sức khỏe, khiến thị trường tuyển dụng sẽ sôi động trong thời gian tới.
Bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động
"Lao động giá rẻ vừa là tác nhân thu hút đầu tư nhưng cũng là điểm yếu của lao động Việt Nam khi các DN nước ngoài đưa công nghệ mới vào sản xuất. Điều này sẽ làm khó NLĐ chưa qua đào tạo hoặc yếu kỹ năng sử dụng công nghệ. Vì vậy, việc nâng cao tay nghề cho NLĐ, tổ chức đào tạo lại và đẩy mạnh cải tiến đào tạo trong các cơ sở đào tạo phải được xem là cấp thiết để tận dụng làn sóng đầu tư đang đổ mạnh vào Việt Nam" - ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc vận hành Manpower Group Việt Nam, lưu ý.
Bình luận (0)