Tại phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức vào ngày 14-8, khi cho ý kiến về nới rộng khung giờ làm thêm trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: Mục tiêu của chúng ta là tăng lương, giảm giờ làm, bởi hiện nay khoa học kỹ thuật ngày càng cao, công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động (NLĐ) tăng lên, trình độ quản lý tốt hơn thì không có lý gì phải tăng giờ làm.
Mục tiêu Bộ Luật Lao động cần hướng đến là tăng lương, giảm giờ làm
Cách nhìn này của đại biểu QH Đỗ Bá Tỵ là rất thỏa đáng, phù hợp với suy nghĩ của nhiều cán bộ Công đoàn và công nhân lao động, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất. Nhu cầu làm thêm giờ của số đông NLĐ là có thật, song bản chất ở đây là do tiền lương và thu nhập của họ chưa bảo đảm trang trải cuộc sống. Việc kéo dài thời giờ làm thêm cũng đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, đặc biệt là khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị của DN đã được cải thiện, tay nghề NLĐ được nâng cao. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần có giải trình thấu đáo cùng với mối quan hệ với thời giờ làm việc thực tế, tiền lương thực tế, hiệu quả, năng suất lao động và giải quyết việc làm.
Người lao động mong muốn có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình
Ở góc độ khác, nếu phân tích kỹ sẽ thấy việc tăng giờ làm thêm sẽ có lợi cho người sử dụng lao động hơn, bởi không phải tuyển thêm lao động mới, mua BHXH. Chưa hết, việc tăng thời giờ làm thêm nếu không được các cơ quan chức năng giám sát triệt để sẽ dẫn đến tình trạng người sử dụng lao động lợi dụng khai thác sức lao động, dẫn đến NLĐ bị suy kiệt sức khỏe. Làm thêm giờ quá nhiều cũng sẽ khiến NLĐ không có thời gian chăm sóc gia đình, lo cho tương lai của mình.
Trong xu thế hội nhập nói chung, vấn đề xem xét mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ khi việc chi trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ được tính theo lũy tiến nhằm bảo đảm quyền lợi cho họ, góp phần khắc phục tình trạng doanh nghiệp không tuyển dụng lao động phù hợp với quy mô và năng lực mà huy động làm thêm giờ, vắt kiệt sức NLĐ.
Bình luận (0)