Liên quan trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của mình, trao đổi với phóng viên, nhiều người lao động (NLĐ) cho rằng, bản thân họ không muốn phải làm thêm nhiều giờ, nhưng vì thu nhập quá thấp không đủ trang trải cho mức sống tối thiểu nên họ buộc phải làm thêm.
Muốn thu nhập tăng thì phải làm thêm giờ
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Công ty May liên doanh Plummy, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) cho biết: "Là công nhân (CN), thu nhập của vợ chồng chỉ hơn 8 triệu đồng/tháng, lại nuôi con nhỏ nên cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Để trang trải cuộc sống, tôi buộc phải làm thêm.
Giờ công bình thường của tôi là 20.000 đồng, nếu làm thêm thì mỗi giờ tôi được 30.000 đồng. Mỗi tháng tiền làm thêm của tôi được khoảng từ 500.000 - 1.000.000 đồng, đó là số tiền đáng kể giúp gia đình tôi bớt khó khăn trong cuộc sống.
Infographic: HẢI NGUYỄN
Là NLĐ, ai cũng muốn đảm bảo sức khỏe và dành thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi, giải trí để bù đắp sức lao động đã bỏ ra. Tôi nghĩ, Bộ LĐ-TB-XH vừa đề xuất nâng thời gian làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm vào Dự thảo sửa đổi Luật Lao động là khá cao". "Tôi muốn được làm thêm giờ nhiều vì điều đó đồng nghĩa sẽ được nhiều tiền hơn để trang trải cho cuộc sống. Nếu không làm thêm giờ, thu nhập của tôi chỉ khoảng 5 triệu đồng/ tháng, trong khi làm thêm giờ thì được 7 triệu đồng.
Mặc dù biết làm thêm giờ là không tốt cho sức khoẻ, nhưng biết sao được, mình đang là thanh niên, có khả năng chịu đựng được thì phải chịu khó "cày" thôi, còn chuyện sức khoẻ tính sau" - anh Nguyễn Văn Hoàn (CN KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn, Bắc Ninh) cho biết. Theo anh Hoàn, đối với nhiều CN ngoại tỉnh như anh, làm thêm còn giúp tiết kiệm được 1 bữa ăn, trốn được cái nắng nếu vào mùa hè. "Thực ra, nếu lương của chúng tôi được trả cao hơn, đáp ứng được cuộc sống tối thiểu thì chúng tôi không muốn làm thêm giờ làm gì cả. Nhưng hiện tại, lương, thu nhập của chúng tôi còn thấp, nên nhiều CN lại chọn làm thêm giờ, mặc dù biết sẽ đánh đổi rất nhiều về thời gian, sức khoẻ" - anh Hoàn đề xuất.
"Nếu phải làm thêm giờ với mức 400 giờ/năm hoặc gần bằng mức đó là quá cao. Làm thêm nhiều giờ như thế, NLĐ sẽ gần như không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Theo tôi, quy định mỗi năm làm không quá 300 giờ như trước đây là hợp lý hơn. Tại công ty tôi, việc làm thêm giờ được bố trí luân phiên nên không NLĐ nào phải làm thêm quá nhiều. Tuy nhiên, ai muốn làm thêm nhiều giờ vẫn được bố trí, nhưng đa số NLĐ cũng không muốn" - anh Huỳnh Long Tuấn (thợ bảo trì máy dệt Tổng công ty Việt Thắng) cho biết.
Cần trao đổi từ hai phía
"Công ty không yêu cầu NLĐ làm thêm giờ không phải là vì đỡ phải bỏ thêm chi phí mà muốn NLĐ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, có thời gian chăm lo cho gia đình" - bà Phạm Thị Hồng Hải - Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Toto VN (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) chia sẻ.
Cũng theo bà Hải, có thời điểm, Công ty Toto cần nhiều sản phẩm nên thỏa thuận với NLĐ về việc làm thêm giờ. Và phía công ty chi trả lương làm thêm giờ cho NLĐ theo quy định tại khoản 1, Điều 97 Bộ luật Lao động thì NLĐ làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau: Vào ngày thường, ít nhất 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương ngày.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Sinh - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Phú Thọ - không ủng hộ đề xuất tăng thời giờ làm thêm từ không quá 300 giờ/năm như hiện nay lên 400 giờ/năm, thậm chí 500 giờ/năm."Hiện nay, mặc dù làm rất vất vả, hầu như không có thời giờ nghỉ ngơi, nhưng thu nhập của CN còn rất thấp. Như tại các KCN tỉnh Phú Thọ, trung bình chỉ khoảng 6 triệu đồng/người/ tháng.
Vì thu nhập còn thấp như vậy, trong khi có nhiều khoản phải chi trả cho cuộc sống hằng ngày, nên thực tế có nhiều CN muốn làm thêm để cải thiện cuộc sống. Nếu tăng giờ làm thêm, có thể nhiều DN sẽ lạm dụng điều này để ép CN làm nhiều hơn nữa. Nếu như vậy thì CN sẽ càng thêm vất vả, mệt mỏi. Theo tôi, để bảo vệ NLĐ, điều quan trọng là thời giờ làm việc, làm thêm phải hợp lý; cũng như phải có các giải pháp tăng thu nhập cho NLĐ, tăng chất lượng lao động, năng suất lao động, năng lực quản lý" - ông Sinh nêu quan điểm.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tiền lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 92% mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Do đó, đa phần NLĐ đều làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. "Việc áp mức làm thêm giờ tại doanh nghiệp (DN) cần phải có sự trao đổi, thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ. Và, để NLĐ có thu nhập với đúng sức lao động mình đã bỏ ra, theo tôi, cần bổ sung quy định lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến theo số giờ làm thêm. Chẳng hạn khi NLĐ làm thêm giờ 200 giờ trong năm thì DN phải trả 150%; từ 201 giờ lên 250 giờ thì DN phải trả 200%; từ 251 giờ đến 300 giờ là 250% lương; từ 301 giờ đến 350 giờ là 300% lương; từ 351 giờ đến 400 giờ, DN trả cho NLĐ 350% lương. DN có lợi thì NLĐ cũng phải có lợi.
Đặc biệt, việc quy định làm thêm giờ cần phải đảm bảo sức khỏe, DN không thể "dồn" NLĐ tăng ca vào một thời điểm, phải có thời gian để CN nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động".
Bình luận (0)