Tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết 10 nội dung lớn được điều chỉnh trong dự thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, đáng lưu ý là Bộ LĐ-TB-XH đề xuất phương án mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) về làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ/năm.
Sau khi Báo Người Lao Động có bài viết "Tăng giờ làm thêm: Phải cân nhắc", chúng tôi nhận được phản ứng trái chiều của các độc giả về vấn đề này. Nhiều ý kiến khẳng định nhu cầu làm thêm để tăng thu nhập trong công nhân (CN) là có thật, song nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến những hệ lụy.
Theo góc nhìn của bạn đọc Vừ A Dềnh, việc tăng giờ làm thêm ở khía cạnh nào đó sẽ có lợi doanh nghiệp (DN) lẫn NLĐ. Thực tế, tăng giờ làm sẽ giúp DN đỡ tốn chi phí tuyển dụng và đào tạo nghề trong khi NLĐ có thêm thu nhập khá để bồi dưỡng tái tạo sức lao động. "Tuy nhiên, nếu đã xây dựng phương án tăng giờ làm thêm việc thì bạn soạn thảo cũng phải tính toán tăng lương làm thêm giờ từ 200% đến 300%. Đồng thời. phải khống chế thời gian làm thêm cho phù hợp với sức khỏe NLĐ" – bạn đọc Vừ A Dềnh góp ý.
Theo nhiều bạn đọc, nên quy định làm thêm tối đa 4 giờ/ngày và được nghỉ hàng tuần ít nhất là 1 ngày
Đồng quan điểm này, bạn đọc có nick Năm Xã Hội, thì bày tỏ: "Theo tôi, hiện nay thu nhập của NLĐ Việt Nam, còn thấp. Vì vậy nên nới lỏng qui định làm thêm tối đa không quá 400 giờ/năm. Tuy nhiên để đảm bảo sức khỏe NLĐ, nên qui định làm thêm tối đa 4 giờ/ngày và được nghỉ hàng tuần ít nhất là 1 ngày hoặc nếu có làm vào ngày nghỉ hàng tuần thì phải trả cho NLĐ 400% gấp đôi qui định hiện tại. Hoặc tiền tăng ca trả theo lũy tiến 20 giờ đầu150%, từ trên 20 30 giờ200%, từ trên 30 giờ 300%".
Bạn đọc Võ thanh Sơn thì cho rằng, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có nhu cầu, NLĐ có sức khỏe, hai bên tự do thỏa thuận hợp đồng làm thêm. Vừa tăng thu nhập cho NLĐ, vừa phát triển DN, phát triển kinh tế xã hội. "Không nên quy định gò bó giờ làm thêm. Các nước phát triển cũng không gò bó giờ làm thêm, miễn là 2 bên NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận là được.
Ngoài ý kiến trên, cũng có ý kiến bày tỏ thái độ không đồng tình bởi lo ngại cho sức khỏe về lâu dài của NLĐ. "Công ty tôi làm thêm giờ một tháng làm 4 ngày chủ nhật (32 giờ). Ngày thường, mỗi ngày 3,5 giờ. Tháng nào cũng vậy mà chẳng thấy thanh tra lao động ở đâu" – bạn đọc tên Hùng cho biết.
Tăng giờ làm việc thì phải xem xét tăng lương làm thêm giờ từ 200% đến 300% và khống chế thời gian làm thêm cho phù hợp với sức khỏe người lao động
Đề cập đến đề xuất làm thêm giờ, bạn đọc Phương Nguyên, hoài nghi: "Nếu Làm thêm giờ, phần phụ trội có phải bị đóng thuế thu nhập hay không? Nếu có thì tội cho CN quá". Theo bả Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), thể trạng sức khỏe của NLĐ có những điểm khác biệt so với lao động trong khu vực, do vậy, ban soạn thảo cần phải tính toán kỹ nếu đề xuất tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm. Nhu cầu tăng ca cùa DN là có thật song không vì thế mà chúng ta điều chỉnh thời gian tăng ca. Thực tế, ở các ngành nghề có môi trường làm việc khắc nghiệt (khai khoáng, mỏ), việc tăng giờ làm thêm sẽ khiến NLĐ kiệt sức, chưa kể phải phải đối mặt với nhiều bệnh tật về cơ xương khớp, tim mạch, sức khoẻ tâm thần…"Theo tôi, cơ quan soạn thảo phải có một cuộc khảo sát kỹ thực trạng tăng ca, đặc biệt là những tác động về mặt xã hội của việc làm thêm để đưa ra đánh giá chính xác, từ đó đề xuất khung giờ làm thêm phù hợp" – bà Thu góp ý.
.
Bình luận (0)