Trong văn bản đề xuất, góp ý một số nội dung lớn trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết Việt Nam đang thời bước vào thời kỳ già hóa dân số, do vậy, việc quy định tuổi nghỉ hưu phải tính toán cân nhắc kỹ lưỡng. "Phải tính toán đến nhu cầu có việc làm của lực lượng lao động trẻ và nguyện vọng của một bộ phận người lao động (NLĐ) lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc. Mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn."- Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, bày tỏ.
Mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề
Tại các hội thảo góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động, không chỉ người sử dụng lao động không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu, mà đại bộ phận NLĐ cũng không đồng thuận. Giám đốc nhà máy một doanh nghiệp (DN) tại KCN Amata, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho hay công ty chuyên về may mặc nên phần lớn là lao động phổ thông. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây nhiều khó khăn cho DN. Bởi nhiều lao động từ 40 tuổi đã có năng suất làm việc kém hơn những lao động trẻ, đó là chưa kể họ thường xuyên xin nghỉ làm để đi khám bệnh vì sức khỏe yếu và nhiều lý do khác.
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động về việc tăng tuổi nghỉ hưu, bạn đọc Bùi Anh Tuấn, bày tỏ: "Xin Quốc hội Hãy lắng nghe ý kiến của người trực tiếp tham gia lao động. Tôi tin chắc rằng đại đa số sẽ không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu. Người Việt Nam nữ đến 55 tuổi nam 60 tuổi nên được nghỉ hưu. Ai còn sức khỏe muốn tham gia công tác thì xin làm riêng; lãnh đạo nếu muốn làm sau tuổi nghỉ hưu thì nên cho xuống làm nhân viên để dành chỗ cho thế hệ trẻ năng động hơn sáng tạo hơn".
Nhiều lao động từ 40 tuổi đã có năng suất làm việc kém hơn những lao động trẻ
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Văn Tấn cũng cho rằng công chức chuyên môn và công nhân, người lao động (NLĐ) bình thường, chỉ muốn nghỉ hưu theo quy định cũ là nam 60 tuổi và nữ 50 tuổi thôi. "Đề nghị các nhà hoạch định chính sách gần NLĐ, công nhân chân tay và người công chức bình thường hơn sẽ rõ" - bạn đọc này bày tỏ. Theo bạn đọc Nam Huấn, cơ quan soạn thảo luật phải xem lại đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. "Ai đóng đủ BHXH thì cho nghỉ hưu là tốt nhất, vì quy định đóng đủ BHXH thì nghỉ còn tuổi thì vô cùng lắm, có người ít tuổi vẫn bệnh tật, ốm đau. Nên giữ nguyên là tốt nhất nam 58, nữ 55 đóng đủ BHXH cho nghỉ hưu"- bạn đọc Nam Huấn, viết.
Còn bạn đọc Lê Văn, thì góp ý: "Việc tăng tuổi hưu có nhiều ý kiến bàn cãi. Phương án hài hòa giải quyết nhận thấy không khó. Cứ quy định tuổi hưu như hiện nay nam 60, nữ 55. Sau tuổi này quy định thời gian làm thêm không quá 2 năm. Bất kỳ ai nếu còn sức khỏe, có nguyện vọng thì đăng ký làm thêm nhưng chỉ làm sự vụ, không giữ bất kỳ chức vụ nào. Lương chỉ tính hệ số cơ bản theo bảng lương hiện hưởng". Bạn đọc Trà Hải cũng đề nghị nên giữ nguyên quy định tuổi hưu như trước nay. Theo bạn đọc này, nếu tăng tuổi hưu là gánh nặng cho xã hội. Vì ở tuổi sau 55 (nữ) và 60 (nam), sức khỏe của họ giảm sút nhiều, không năng động, như hòn đá to cản đường lớp trẻ năng động.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
"Đối với NLĐ bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định. Công thức tăng tuổi nghỉ hưu theo các nhóm có thể được khái quát: Công chức (tăng tất cả), Viên chức (tăng một bộ phận lớn), Công nhân lao động (chỉ tăng một bộ phận nhỏ và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58 tuổi"- Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu quan điểm.
Bình luận (0)