Khoảng 1 tháng nay, hơn 1.000 công nhân (CN) Công ty CP Hợp tác và Phát triển Savimex (sản xuất nội thất; nhà xưởng đóng tại quận 12 và TP Thủ Đức, TP HCM) liên tục được tăng ca, thậm chí làm luôn chủ nhật. Công ty còn thông báo tuyển thêm 200 CN nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Phấn khởi vì được tăng ca
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Giám đốc sản xuất Công ty CP Hợp tác và Phát triển Savimex, cho biết do ảnh hưởng tình hình kinh tế chung, thời gian qua, doanh nghiệp (DN) mất khá nhiều đơn hàng, ảnh hưởng đến đời sống người lao động (NLĐ). Để có thể duy trì việc làm cho CN, ngoài việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, công ty còn đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, song tình hình cũng không khả quan hơn.
Công nhân Công ty CP Bách Hưng Sinh sẵn sàng chia khó với doanh nghiệp .Ảnh: THANH NGA
Trong những tháng khan hiếm đơn hàng, công ty phải cho CN nghỉ 2 ngày/tuần. Để động viên CN bám trụ trong bối cảnh thu nhập giảm, ngoài việc không cắt giảm lao động, ban giám đốc còn cố gắng duy trì các phúc lợi cho họ. Với chủ trương này, thu nhập bình quân của NLĐ vẫn đạt gần 8 triệu đồng/người/tháng. Các khoản phụ cấp trong thỏa ước lao động tập thể vẫn được giữ nguyên, như: thưởng chuyên cần (200.000 đồng/người/tháng), hỗ trợ xăng xe (100.000 đồng/người/tháng), nghỉ mát (1 triệu đồng/người)...
Chính sự quan tâm của ban giám đốc Savimex đã tạo động lực làm việc cho NLĐ, từ đó họ hợp sức cùng DN vượt khó. CN Nguyễn Văn Cường cảm kích: "Dù gặp khó nhưng công ty vẫn không cắt giảm lao động mà còn duy trì các chế độ phúc lợi cho CN. Nỗ lực này rất đáng trân trọng. Một tháng qua, đơn hàng đã nhiều hơn, CN thường xuyên tăng ca nên ai cũng phấn khởi".
Hoạt động tại Công ty CP Sản xuất Thương mại Vĩ Nam Việt (quận 6, TP HCM) cũng có dấu hiệu khởi sắc, CN ở một số bộ phận đã bắt đầu tăng ca từ cuối tháng 9-2023. Ông Quách Vũ Bảo Châu, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết từ sau Tết 2023, tình hình sản xuất của DN gặp nhiều trở ngại do đơn hàng giảm.
Dù không tổ chức tăng ca nhưng công ty vẫn xoay xở giữ việc làm, bảo đảm thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng cho hơn 300 CN. Dù thu nhập giảm hơn trước nhưng CN vẫn cố gắng bám xưởng, hưởng ứng các phong trào tiết kiệm nguyên vật liệu, cải tiến máy móc để tiết giảm chi phí.
Đối đãi thực tâm
Thời gian gần đây, đơn hàng tại Công ty TNHH Tai Nan International Vietnam (gia công hàng may mặc; đóng tại quận 8, TP HCM) không còn dồi dào như trước. Không được tăng ca khiến thu nhập giảm sút, cuộc sống cũng vất vả hơn nhưng không CN nào có ý định nghỉ việc.
Theo bà Lê Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Tai Nan International Vietnam, có được kết quả đó là nhờ DN và NLĐ cảm thông, tin tưởng nhau. Thực tế, ở những thời điểm khó khăn nhất về đơn hàng, ban giám đốc vẫn cố gắng bảo đảm hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, nhờ đó CN không phải nghỉ chờ việc luân phiên.
Trái với lo lắng của NLĐ, Công ty TNHH Tai Nan International Vietnam vẫn thực hiện các cam kết với họ trong thỏa ước lao động tập thể, từ tiền thưởng các ngày lễ, Tết đến thưởng năng suất, cải thiện bữa ăn giữa ca (25.000 đồng/suất)… Hiện, mức thu nhập thấp nhất của NLĐ tại công ty là hơn 5,5 triệu đồng/người/tháng. Để giúp CN giải tỏa căng thẳng, tái tạo sức lao động và tăng cường đoàn kết, mới đây, ban giám đốc và Công đoàn đã tổ chức cho toàn bộ NLĐ đi du lịch nghỉ dưỡng.
"Mấy năm qua, lo ngại diễn biến dịch COVID-19 nên công ty chỉ chi tiền nghỉ mát mà không tổ chức cho anh em đi chơi xa. Tổ chức để CN đi nghỉ dưỡng ở thời điểm này cũng là cách để động viên NLĐ, giúp họ an tâm gắn bó với DN" - bà Hằng nhìn nhận.
Là DN chuyên phát triển và sản xuất máy may công nghiệp uy tín nhưng mấy tháng qua, Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) cũng gặp không ít khó khăn. Khách hàng là các DN dệt may, da giày không có nhu cầu lắp ráp, sửa chữa máy móc, thiết bị khiến việc làm của hơn 1.000 CN cũng bị ảnh hưởng. Để duy trì việc làm cho CN, công ty đã phải giảm giờ làm và cho nghỉ chờ việc luân phiên.
Ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam, cho biết Công đoàn đã thương lượng, đề xuất với ban giám đốc các giải pháp hỗ trợ NLĐ trong khả năng của DN. Cụ thể, khi nghỉ chờ việc, CN được hưởng 50% lương cơ bản (không thấp hơn lương tối thiểu vùng). Các khoản phụ cấp, tiền thưởng của NLĐ cũng được giữ nguyên. Công đoàn cũng phân tích để CN hiểu những thách thức mà công ty đang đối mặt để họ chia sẻ và tiếp tục đồng hành.
Trả lương linh hoạt
Tại Công ty CP Bách Hưng Sinh (may kimono; đóng tại KCN Tân Bình, TP HCM), để duy trì việc làm với đơn giá gia công hợp lý, ổn định đời sống cho hơn 200 CN, ban giám đốc đã chủ động đàm phán với khách hàng. Công ty cũng linh hoạt điều chỉnh chính sách trả lương để CN có thu nhập đủ sống. Mới đây, công ty còn chi hơn 100 triệu đồng cải tạo nhà ăn, lắp đặt hệ thống điều hòa để CN thoải mái trong giờ ăn trưa.
"Dự kiến từ tháng 11-2023, đơn hàng sẽ nhiều hơn, giải tỏa áp lực giải quyết việc làm cho CN" - bà Ngô Thị Hòa, Giám đốc Công ty CP Bách Hưng Sinh, cho biết.
Bình luận (0)