. Phóng viên: Thưa ông, tình hình tuân thủ pháp luật về BHXH thời gian qua như thế nào?
Ông NGỌ DUY HIỂU
- Ông NGỌ DUY HIỂU: Tình trạng các DN chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về BHXH còn diễn ra khá phổ biến; trong đó nổi bật là nợ đóng, chậm đóng BHXH. Đơn cử, năm 2017 tại 5 địa phương được đoàn liên ngành thực hiện giám sát có tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lên tới trên 332 tỉ đồng. Có 7/14 DN được giám sát thường xuyên chậm đóng, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN (trong khoảng 1-3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng BHXH trên 28 tỉ đồng. Tại 14 DN được giám sát, có trên 1.200 NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nhưng chưa được DN thực hiện các thủ tục để tham gia theo quy định của pháp luật... Kết thúc giám sát, đoàn giám sát liên ngành đã đưa ra trên 130 kết luận, kiến nghị đối với các DN và cơ quan chức năng của 5 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tại thời điểm giám sát, gần 11 tỉ đồng tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được các DN khắc phục.
. Là tổ chức, cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, các cấp CĐ đã có biện pháp gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ?
- Tổ chức CĐ Việt Nam với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, trong những năm qua đã luôn chủ động trong việc tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; huy động và phối hợp nhiều nguồn lực khác nhau để cùng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BHTN để đoàn viên, NLĐ tham gia BHXH, BHYT, BHTN được hưởng đúng, đủ, kịp thời chế độ, quyền lợi của mình. Tổ chức CĐ đã có nhiều nỗ lực trong việc khởi kiện các DN nợ BHXH. Tuy nhiên, từ phản hồi ở phía tòa án, chúng tôi rất tiếc đến nay nhiều vụ việc chưa được chính thức thụ lý. Theo giải thích của tòa án thì quy định của pháp luật hiện còn nhiều bất cập. Việc khởi kiện DN nợ BHXH chịu chi phối của Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật CĐ, Luật BHXH năm 2014 và Bộ Luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất nên tòa án các cấp vẫn từ chối thụ lý.
. Quy định về việc CĐ khởi kiện DN nợ BHXH đã có 3 năm nay, vậy vướng mắc ở đâu?
- Ở góc độ là tổ chức đại diện cho NLĐ, chúng tôi cho rằng CĐ là tổ chức đại diện đương nhiên của NLĐ, do vậy việc yêu cầu ủy quyền là không cần thiết. Ngoài ra, do chưa có sự đồng nhất của các luật trên, bởi có luật quy định CĐ cơ sở được khởi kiện, luật thì quy định phải có chữ ký ủy quyền của từng NLĐ - trong khi có những DN có tới hàng vạn lao động nên khi CĐ tiến hành khởi kiện, nộp hồ sơ thì nhiều nơi tòa án từ chối thụ lý. Bên cạnh đó, rất ít cán bộ CĐ cơ sở "dám" đứng ra để khởi kiện chủ sử dụng lao động bởi sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Điều này khiến những vụ nợ BHXH bị kéo dài và lan rộng ra các DN nợ BHXH vì họ cho rằng pháp luật hình như đang bó tay trước hành vi vi phạm nợ BHXH. Ngoài ra, chúng ta đã có Bộ Luật Hình sự nhưng cũng chưa xử lý được DN nào do những vướng mắc mà chưa có hướng dẫn. Những yếu tố chưa thống nhất về mặt pháp luật là lý do dẫn đến việc khởi kiện DN nợ, trốn đóng BHXH chưa được thụ lý, giải quyết như mong muốn của tổ chức CĐ.
Để việc khởi kiện DN nợ BHXH được diễn ra thuận lợi, trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn được làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TAND Tối cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam để tìm ra giải pháp, điều chỉnh những vướng mắc hiện nay; có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc CĐ đại diện NLĐ khởi kiện chủ DN nợ BHXH, để các cấp CĐ khi chuyển hồ sơ sang, tòa án sẽ tiếp nhận và các cơ quan tiến hành xử lý hình sự đối với DN nợ BHXH. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đang có đề án xây dựng lực lượng luật sư CĐ để chuyên xử lý những vụ việc liên quan đến pháp luật lao động (đến năm 2020 sẽ có 50 luật sư); nâng cao năng lực của cán bộ CĐ cấp cơ sở…
Bình luận (0)