Phóng viên: Là người được Ban Thường vụ LĐLĐ TP Đà Nẵng cử làm đại diện bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ pháp lý cho 19 lao động, khi nhận ủy quyền của người lao động (NLĐ), điều trước tiên ông nghĩ đến là gì?
- Ông Trương Ngọc Hùng: Nhìn thấy nỗi vất vả khổ cực của NLĐ ở mỏ đá của công ty, đồng thời thấy người sử dụng lao động (NSĐLĐ) xem thường pháp luật, xem thường NLĐ, mình là cán bộ Công đoàn (CĐ) nên rất bức xúc và muốn làm đến cùng để tìm lại công bằng, đem lại niềm tin cho NLĐ.
Từ hồ sơ chứng lý có được, ông có tin rằng NLĐ sẽ thắng kiện không?
- Là người làm về công tác chính sách pháp luật và quan hệ lao động, nếu chỉ nghiên cứu hồ sơ và chứng cứ của NLĐ cung cấp mà đã tin rằng thắng kiện, đó là duy ý chí. Bởi lẽ, NLĐ chỉ quen làm, am hiểu pháp luật còn hạn chế, thiếu nhiều chứng cứ, bản thân tôi phải nhờ thêm sự giúp đỡ của các sở, ban ngành mới có đầy đủ hồ sơ. Hơn nữa, thắng hay không là do tòa án. Trong quá trình xét xử tại tòa sẽ xảy ra rất nhiều tình huống không lường trước được nên đòi hỏi phải dùng lập luận khoa học và luận cứ không thể chối cãi, lúc đó mới khẳng định được thắng hay không.
Trong quá trình khởi kiện, ông và các công nhân có gặp khó khăn gì hay không?
- Khó khăn rất nhiều. Vì việc của tôi không chỉ có đi giải quyết việc kiện tụng này mà còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác của Ban Chính sách - Pháp luật. Hơn nữa, thời gian của vụ tranh chấp lao động này kéo dài từ tháng 7-2015. Do NLĐ am hiểu pháp luật hạn chế nên phải giải thích đi, giải thích lại; sợ nhất là NLĐ vì quá bức xúc, thiếu kiềm chế sẽ rất khổ. Vì vậy, mình cũng luôn làm công tác tư tưởng, động viên NLĐ tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Mặt khác, làm đại diện tố tụng lao động và tranh tụng tại tòa án là việc làm mới mẻ nên kinh nghiệm cũng không có nhiều.
Ông có cho rằng việc giải quyết các tranh chấp lao động tại tòa án sẽ là xu thế tất yếu trong thời gian tới?
- Phải xem việc khởi kiện là phương án cuối cùng. Phải làm đủ mọi cách để đừng sử dụng phương án này vì cũng phải nghĩ đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hài hòa lợi ích của cả NSDLĐ và NLĐ.
Theo ông, cán bộ CĐ cần phải làm gì để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh hội nhập sâu rộng đang mở ra nhiều thách thức cho tổ chức và hoạt động CĐ?
- Đây là vấn đề rất lớn và rộng. Tuy nhiên, với tư cách là cán bộ tham mưu giúp việc cho lãnh đạo LĐLĐ TP Đà Nẵng, tôi có suy nghĩ ngắn gọn: Tổ chức CĐ chúng ta không giống bất kỳ tổ chức CĐ nào trên thế giới. CĐ Việt Nam có bản sắc riêng, có lịch sử hình thành lâu đời và là tổ chức chính trị - xã hội. Trong thực hiện nhiệm vụ, cần phải bảo đảm tốt sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường làm việc thân thiện, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ giúp đỡ nhau. NLĐ cũng phải chia sẻ khó khăn với NSDLĐ và NSDLĐ khi làm ăn được thì cũng phải chia sẻ với NLĐ.
Để làm được điều đó, cán bộ CĐ, nhất là cán bộ CĐ cơ sở, phải biết dựa vào NLĐ, phải sống vì NLĐ, lúc đó làm việc gì cũng thành công.
19 lao động thắng kiện
Năm 2015, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11, có 19 NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điều 37 của Bộ Luật Lao động. Tuy nhiên, Công ty CP Xây dựng Công trình giao thông Đà Nẵng không ra quyết định thôi việc, không chốt sổ BHXH và trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ.
Sau nhiều lần hòa giải nhưng bất thành, 19 NLĐ đã ủy quyền cho LĐLĐ TP Đà Nẵng khởi kiện doanh nghiệp ra TAND quận Cẩm Lệ. Trong hai ngày 22 và 23-6, TAND quận Cẩm Lệ đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên 19 NLĐ thắng kiện, buộc công ty chi trả chế độ thôi việc cho họ với số tiền trên 550 triệu động.
Trước đó, năm 2014, LĐLĐ TP Đà Nẵng cũng đại diện cho 5 công nhân khởi kiện một công ty ra tòa và thắng kiện.
Bình luận (0)