Cầm trên tay bản án phúc thẩm, anh Phạm Văn Dũng - ngụ phường 3, quận 11, TP HCM - thở dài: "Đời mình giờ bệnh tật, tay trắng, bất hạnh đã đành mà còn thêm uất ức. Cống hiến hết tâm lực cho người ta xong, quý mến nhau vậy mà khi đụng chuyện họ phủi sạch trơn. Kiện tụng đã bất lợi rồi mà còn ức thêm".
Tin chủ nên lãnh đủ
Anh Dũng làm việc cho Công ty TNHH Luân Nguyễn tại quận Tân Phú, TP HCM từ năm 2002. Thời điểm đó, công ty chuyên sản xuất bao bì PP. Với kinh nghiệm nghề nghiệp và nhiệt tình, anh được chủ giao mọi việc - từ nhập nguyên liệu đầu vào, điều hành nhóm thợ đến sản xuất ra thành phẩm. Trong suốt thời gian này, anh không được công ty ký hợp đồng lao động bằng văn bản nên cũng không được đóng các loại bảo hiểm.
Anh Dũng thất thần khi nhận bản án. Anh nói: "Mong anh em trẻ đi làm đừng vướng vào việc như tôi"
Năm 2016, công ty gặp khó khăn nên ngừng sản xuất bao bì PP và bán máy móc, nhà xưởng. Do không có hợp đồng lao động nên khi nghỉ việc, anh Dũng không có bất cứ quyền lợi gì. Nhiều năm làm việc miệt mài trong môi trường nặng nhọc, độc hại khiến sức khỏe hao mòn, lại thêm bệnh tật, gia cảnh khó khăn, anh Dũng xin hỗ trợ 40 triệu đồng gọi là trợ cấp nhưng chủ doanh nghiệp thẳng thừng từ chối.
Chỉ vào chồng bệnh án trên bàn, anh Dũng buồn rầu: "Làm việc nặng nhọc quá nên cột sống tôi thoái hóa, khớp tay chân đau nhức, thận yếu, đau dạ dày, đau gan và cả bệnh trĩ. Không có tiền chữa bệnh, tôi phải vay nợ. Hồi trước có cái nhà còn đỡ, giờ nhà cũng bán, tôi phải đi ở trọ. Thằng con lớn đi nghĩa vụ về chưa có việc làm, thằng nhỏ đang đi học. Ngặt nghèo quá tôi mới khiếu nại lên LĐLĐ quận nhưng chủ vẫn không thèm có mặt hòa giải. Đi kiện cả năm trời rồi giờ cuối cùng cũng thua, tôi buồn và tức đến không ngủ được nên sức khỏe càng suy kiệt".
Phủi bỏ trách nhiệm
Tại cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, đại diện doanh nghiệp đều vắng mặt mà chỉ gửi các bản tự khai. Theo đó, công ty thừa nhận anh Phạm Văn Dũng có làm việc cho công ty nhưng lại phủ nhận vai trò thợ chính làm việc liên tục ở xưởng mà cho rằng anh chỉ "phụ việc giản đơn, không mang tính liên tục. Có việc thì làm vài ngày, mỗi ngày làm việc đều nhận tiền. Mỗi tháng làm việc 4-5 ngày. Do vậy, công ty không có trách nhiệm mua BHXH hay trả tiền trợ cấp như ông Dũng yêu cầu".
Ngoài mấy tờ giấy lịch chủ xé vội để ghi tiền công tháng cuối cùng (với mỗi ngày công được tính 330.000 đồng), anh Dũng không còn thêm bằng chứng nào nữa để chứng minh. TAND quận Tân Phú xử sơ thẩm, tuyên anh thua kiện. "Tôi với chủ thân quen, làm với nhau chừng đó năm, do tin tưởng nên không đòi hỏi hay nghi ngờ gì. Ngay cả hóa đơn, chứng từ nguyên vật liệu đầu vào, tôi làm xong cũng giao hết lại cho chủ, chẳng giữ thứ gì" - anh Dũng tiếc nuối.
Làm sai lệch lời khai
Tại phiên tòa phúc thẩm, anh Dũng có thêm nhân chứng là các đồng nghiệp cùng làm việc tại xưởng. Họ xác nhận tính chất công việc, thời gian làm việc cho anh. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm số 231/2017/LĐ-PT, do thẩm phán Võ Thị Sang ký, lại nhận định lời khai của các nhân chứng không chứng minh được anh làm việc liên tục. Vì vậy, tòa phúc thẩm tiếp tục tuyên anh thua kiện.
Đáng chú ý, trong bản án có trích lời khai của nhân chứng Nguyễn Lâm Phương, quê Tiền Giang, rằng "có việc thì làm, không có việc thì nghỉ, có tháng làm 2-3 ngày". Thế nhưng, khi chúng tôi đem sự việc trao đổi lại với ông Nguyễn Lâm Phương thì ông "té ngửa". "Tôi có khai như vậy bao giờ? Tôi khai rõ ràng là ông Dũng làm việc như thợ cả, làm liên tục, xuyên suốt quanh năm. Máy chạy là ông ấy làm, mà máy đã chạy là chạy ngày đêm chứ đâu có nghỉ, có khi liên tục cả tháng. Lúc máy hư, hàng chưa về kịp thì có thể thợ được nghỉ nhưng ông ấy lại phải sửa máy, bảo trì máy, làm bao nhiêu việc khác chứ có nghỉ đâu?" - ông Phương ngỡ ngàng.
Ông Lê Văn Tùng - quê Bến Tre, nhân chứng xin vắng mặt nhưng có để lại bản khai - cũng xác nhận: "Ông Dũng làm chính trong xưởng, hầu như không ngơi nghỉ. Công việc làm theo ca 24/24 giờ mà. Máy chỉ và máy dệt, ông ấy nắm một máy, tui nắm một máy. Chỉ có thợ may hay thợ cắt thì mới làm gián đoạn theo công việc. Tui cũng đứng máy suốt cùng ông Dũng. Trong lời khai, tôi nhớ có ghi ý là công việc liên tục quanh năm, suốt tháng. Anh em thợ đều ở dưới tỉnh, bỏ quê lên làm việc thì công việc phải liên tục, xuyên suốt mới sống được, chứ chỉ làm vài ngày một tháng thì lấy gì ăn? Làm gì có chuyện vô lý đến như vậy".
Một nhân chứng khác là ông Trần Tuấn Kiệt, chạy xe ôm trước cổng công ty, khẳng định: "Tôi sống ở đây, đậu xe ngay đó nên tôi biết. Ông Dũng rất chăm chỉ, không rượu chè, cờ bạc, chỉ cắm đầu làm việc ngày đêm quanh năm cho chủ. Cái gì cũng kêu ông ấy, đến cái đèn hư, cái cống tắc nước cũng gọi. Có lần, tôi nói ông Dũng làm vừa thôi, làm quá thì chết sao nhưng ông ấy vẫn làm. Hôm làm lời khai, tôi cũng khai là công việc của ông ấy làm liên tục, không biết sao tòa lại không xem xét?".
Chỉ còn biết kêu trời!
Chị Lê Thị Út Nhỏ, vợ anh Dũng, buồn bã: "Công ty hoạt động ầm ầm mười mấy năm, đỉnh điểm có khi đến 40 nhân công thì làm sao qua mắt mọi người được? Vậy mà nhân chứng khai một đằng, bản án ghi một nẻo hoặc lờ luôn những ý có lợi cho người lao động. Mình đã nghèo, đã thất thế, đi kiện mà như vậy thì chỉ còn biết than trời!".
Bình luận (0)