PGS-TS Trần Xuân Cầu, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đưa ra một sự bất hợp lý trong cách “cào bằng” lương là: “Không thể có một mức lương cho Tổng Bí thư và Chủ tịch nước hiện nay lại chưa đến 15 triệu đồng/tháng mà nguyên nhân ở cả mức lương tối thiểu thấp lẫn hệ số lương thấp”.
2/3 công chức không làm việc thì sao phát triển được?
Theo ông Cầu, đối với quan chức Chính phủ (từ bộ trở lên), phải xây dựng chế độ tiền lương riêng, đặc biệt. Lương Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã như thế thì lương của cán bộ, công chức và viên chức bình thường thấp là điều đương nhiên dễ hiểu.
Lý giải vấn đề bất cập về lương, các chuyên gia đều chỉ ra được rằng nó bắt nguồn từ bất hợp lý trong việc bố trí cán bộ, bộ máy biên chế phình quá to. Dẫn ra trao đổi với một vị bộ trưởng đã về hưu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phản ánh ông này đưa ra con số: 1/3 công chức ngồi chơi xơi nước chẳng làm gì cả, 1/3 thì “làm hùng hục” không hết việc, 1/3 còn lại chỉ chọc phá, cản trở. “Đến 2/3 cán bộ công chức không làm việc thì làm sao phát triển được? Nếu đem suất lương của 10 người trả cho 2 người, họ sẽ làm tốt ngay” - bà Phạm Chi Lan đánh giá.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chỉ ra rằng lương công chức thường ổn định nhưng trở thành công chức để làm giàu thì rất sai lầm. Muốn cải cách tiền lương đạt được kết quả, theo ông Tuấn, trước tiên phải thay đổi nhận thức về trả lương, phải phân biệt người làm tốt, người làm không tốt, lười biếng. Từ đó phải loại người không đáp ứng yêu cầu khỏi hệ thống công vụ, chỉ giữ lại người làm việc tốt, bên cạnh đó chính sách thu hút nhân tài.
Nhìn ở khía cạnh quản lý nhà nước, PGS-TS Trần Xuân Cầu cũng kiến nghị cần từng bước xóa bỏ tình trạng “hành chính hóa” các hoạt động sự nghiệp, giảm bớt sự can thiệp của cơ quan quản lý ở cấp cao, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng hoạt động nghề nghiệp; đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong tổ chức, nhân sự của các đơn vị. Một cản trở trong đó là không ít đơn vị sự nghiệp công lập còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, không muốn chuyển đổi cơ chế hoạt động sang thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm vì nếu chuyển đổi thì nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước sẽ không còn, đơn vị sự nghiệp sẽ phải tự bảo đảm toàn bộ tiền lương và các chi phí hoạt động khác từ nguồn thu cung cấp dịch vụ công. Các chuyên gia cũng chỉ ra, trong việc cải cách tiền lương có sự bất hợp lý một cách rất… hợp lý là: Ai cũng kêu lương thấp nhưng ai cũng muốn vào biên chế cả.
Đẩy mạnh xã hội hóa
TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng cần đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công nhằm giảm bớt quỹ tiền lương viên chức từ ngân sách nhà nước, khoán biên chế và khoán chi hành chính hằng năm, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức sao cho phù hợp với yêu cầu đặt ra.
Theo ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cần phải tách quỹ lương cán bộ, công chức với quỹ BHXH và an sinh xã hội để có cơ chế sử dụng và quản lý phù hợp. “Thực hiện xã hội hóa các loại hình dịch vụ công, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế và xã hội; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức sự nghiệp dịch vụ công, tạo cơ chế cho các tổ chức sự nghiệp công có nguồn thu tự trang trải cho hoạt động và trả lương, tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên xứng đáng với lao động sáng tạo và chất lượng phục vụ của họ” - ông Phúc hiến kế.
TS Lê Hồng Chuyên - Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế trung ương - đưa ra giải pháp để giải quyết duy nhất một vấn đề “đầu tiên” là “tiền đâu” để thực hiện chính sách cải cách tiền lương. TS Lê Hồng Chuyên cho rằng muốn vậy cần kiên quyết thực hiện cơ chế thị trường trong cung ứng dịch vụ công; tính đúng, tính đủ chi phí tiền lương vào giá và thực hiện giá thị trường đối với các dịch vụ công. Theo ông Chuyên, việc thực hiện cơ chế thị trường trong việc cung ứng dịch vụ công một mặt sẽ nâng cao sức cạnh tranh, tạo ra hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt hơn; mặt khác sẽ thu hút được các nguồn lực tài chính, con người… tiếp tục đầu tư cung cấp các dịch vụ công. Ông Chuyên cũng lưu ý rằng việc tính toán, theo dõi tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức khá phức tạp; việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức mỗi năm nếu không làm chặt chẽ, nghiêm túc, việc rà soát chức năng nhiệm vụ, yêu cầu công việc để xác định biên chế hợp lý thì phương án này không mang lại hiệu quả.
“Nếu việc giám sát người đứng đầu không tốt, có thể tiếp tục diễn ra tình trạng đẩy những người có tâm, có tài ra khỏi khu vực công và lôi kéo những người bất tài vào khu vực này để hưởng đặc lợi” - ông cảnh báo.
Hạn chế xin - cho
Theo TS Lê Hồng Chuyên, muốn cải cách tiền lương, cần phải sửa đổi cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước cho các tổ chức quần chúng theo hướng giảm chế độ bao cấp và cơ chế xin - cho; bãi bỏ chính sách cấp ngân sách hoạt động cho hội đặc thù theo biên chế, để các tổ chức này hoạt động theo cơ chế tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Theo “ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam” của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, năm 2014, tổng số tiền ngân sách nhà nước chi cho các tổ chức này từ trung ương đến xã, phường, thôn là 14.023 tỉ đồng.
“Nếu chuyển một số tổ chức quần chúng công sang hoạt động theo cơ chế tự nguyện, tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì ngân sách nhà nước sẽ không phải chi mà dành để cải cách tiền lương” - TS Chuyên kiến nghị.
Bình luận (0)