Cuối năm 2022 và trước Tết Nguyên đán 2023, thị trường lao động trong nước chịu tác động mạnh mẽ từ suy giảm của kinh tế toàn cầu khiến không ít doanh nghiệp (DN) xuất khẩu phải thu hẹp quy mô sản xuất, tinh giảm chi phí và cắt giảm lao động. Trái lại, nhiều ngành nghề cung ứng cho thị trường nội địa khá bình ổn, đủ khả năng phục vụ nhu cầu thị trường mua sắm Tết.
Nhu cầu tuyển dụng tăng
Đáng chú ý, ngành du lịch - dịch vụ có sự phục hồi mạnh mẽ nhờ chính sách mở cửa du lịch của Chính phủ, giúp ngành này đón nhận được số lượng du khách lớn đến từ thị trường trong và ngoài nước. Đây là ngành thu hút một lực lượng lao động lớn cả trực tiếp và gián tiếp.
Lao động trẻ qua đào tạo được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng
Bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc Làm Tốt, cho biết hằng năm, nhu cầu tuyển dụng và tìm việc sau Tết Nguyên đán đều tăng cao từ 20% đến 40% so với quý cuối cùng của năm trước đó. Năm nay, nhu cầu tuyển dụng ở tất cả ngành hàng vẫn sẽ tăng sau Tết nhưng mức tăng trưởng sẽ không cao.
Khối ngành sản xuất và dịch vụ thương mại bán lẻ cho thị trường nội địa dự báo tình hình sẽ lạc quan. Nhu cầu tuyển dụng ở khối ngành này sau Tết sẽ tăng nhưng không quá mạnh như mọi năm. "Thị trường thế giới nhiều biến động khiến DN sẽ cân nhắc chi tiêu, tối ưu hóa chi phí. Do đó, tiết giảm chi phí nhân sự và thu hẹp sản xuất là một giải pháp trong giai đoạn sắp tới. DN sẽ ưu tiên giữ chân người lao động (NLĐ) có tay nghề cao và nhiều năm kinh nghiệm, thay vì tuyển mới và mở rộng đội ngũ nhân sự" - bà Ngọc nhận định.
Là ngành sử dụng nhiều lao động, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết trong năm 2023, tập đoàn xác định 2 mục tiêu phải giữ vững, đó là giữ chân NLĐ và bảo đảm vị trí trong chuỗi sản xuất toàn cầu. DN sẽ rất khó duy trì vị thế cạnh tranh với các đối thủ nếu không có lợi thế về lao động lành nghề. Khách hàng cũng sẽ rời đi nếu năng lực sản xuất bị thu hẹp. "Năm 2022, dệt may, da giày và gỗ là 3 lĩnh vực giảm lao động nhiều nhất. Nhưng Vinatex không giảm, mà tuyển thêm và lương bình quân tăng 15% so với năm 2021. Để làm được điều này, chúng tôi chấp nhận hy sinh lợi nhuận, tài chính ngắn hạn trong điều kiện thị trường khó khăn để ổn định lao động, nhất là người lành nghề. Sẽ rất khó tuyển lao động có tay nghề, kinh nghiệm nếu họ nghỉ việc" - ông Trường cho biết.
Tại TP HCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI) dự báo lực lượng lao động của thành phố trong năm 2023 là hơn 4,8 triệu người. Dựa trên tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng trong năm 2022 và dự báo rất khả quan trong năm 2023, FALMI nhận định năm 2023 TP HCM cần khoảng 300.000 - 320.000 lao động. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 79.000 - 87.000 lao động, quý II khoảng 72.500 - 75.500 lao động, quý III khoảng 73.000 - 76.000 lao động, quý IV khoảng 75.500 - 81.500 lao động.
Ứng viên đa năng chiếm ưu thế
Theo phân tích của FALMI, gần 70% nhu cầu tuyển mới trong năm 2023 tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ, nhu cầu của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 30%. Nếu phân loại theo trình độ chuyên môn, nhu cầu nhân lực có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên chiếm gần 38%. Khu vực ngoài nhà nước chiếm gần 90% nhu cầu tuyển dụng.
Bà Đặng Trịnh Nhã Hương, Giám đốc khu vực miền Nam của Navigos Search, cho biết trong năm 2023, một số nhóm ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng bao gồm bất động sản KCN, cảng biển và xuất nhập khẩu, ngành sữa, ngân hàng (các vị trí liên quan đến chuyển đổi số), lương thực - thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, dệt may, công nghệ thông tin, năng lượng, dầu khí, xây dựng (phân khúc nhà xưởng, KCN và hạ tầng). Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng giảm như ngân hàng, bán lẻ bất động sản thương mại, chế biến gỗ nội thất và ngành thép.
Từ những yêu cầu tuyển dụng phía DN, theo nhận định của các chuyên gia lao động - việc làm, trong năm 2023, các DN có khuynh hướng tìm kiếm những ứng viên đa năng, linh hoạt khi đảm đương, tiếp nhận công việc mới bất kỳ. Nhà tuyển dụng sẵn sàng đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ mới để quan tâm và chăm lo cho đời sống cá nhân của nhân viên. Các DN sẽ quan tâm hỗ trợ nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần, tăng thời gian nghỉ phép, có nhiều hơn các phúc lợi dành cho lao động nữ...
Một số xu hướng làm việc của năm 2023 sẽ ngày càng được DN và NLĐ quan tâm như đa năng và đa dạng hóa đầu mục công việc để sẵn sàng nhận thêm việc mới. Trong khi đó, NLĐ có xu hướng thích làm việc kết hợp - vừa làm từ xa vừa làm ở văn phòng. Sau đại dịch COVID-19 và khó khăn về kinh tế trong năm vừa qua, nhiều DN có xu hướng lựa chọn xây dựng bộ máy nhân sự đa năng, phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau, biết ứng dụng công nghệ số vào quy trình làm việc để tối ưu hoạt động kinh doanh. "Với những ứng viên muốn tìm kiếm công việc mới trong năm nay, ngoài hiểu kỹ về DN mình muốn ứng tuyển, yêu cầu của nhà tuyển dụng thì cần chú trọng một số điểm như tư duy lãnh đạo, sự chủ động cao, lên kế hoạch tốt, dứt khoát trong quản lý công việc và có sức khỏe tốt" - bà Hương nhắn nhủ.
Bình luận (0)