Từ khi chuyển sang chỗ làm mới cách đây 4 tháng, anh Lê Tiến Đạt (quê Hà Tĩnh) thường trở về nhà sau 22 giờ 30 phút. Hiện anh Đạt là trưởng nhóm công nghệ thông tin tại một doanh nghiệp (DN) logistics ở TP Hà Nội. Đỉnh điểm là những ngày vận hành hệ thống, 4 giờ 30 phút anh mới ra khỏi văn phòng; trong khi 8 giờ phải có mặt tại công ty để bắt đầu ngày làm việc mới, nếu đến trễ thì phải giải trình và bị trừ lương.
Gồng mình giữ việc
Đạt cho biết thời gian "cày" đêm này anh không được trả lương, do công ty quy định chỉ tính làm ngoài giờ vào chủ nhật. Môi trường làm việc khắc nghiệt nên nhân sự mới vào ít ngày đã xin nghỉ, anh phải cáng đáng thêm phần việc của người khác. "Tôi vừa chuyển qua đây nên chưa dám nhảy việc, nhiều lúc rất nản" - anh Đạt than.
Người lao động nên tham gia thể dục thể thao sau giờ làm việc để tái tạo năng lượng
Tương tự, anh Nguyễn Huy Thuận (kỹ sư xây dựng, quê Phú Yên) đang làm việc tại một DN ở TP Thủ Đức, TP HCM. Thời gian làm việc ghi rõ trong hợp đồng là mỗi ngày từ 8 giờ đến 17 giờ 30 phút, từ thứ hai đến hết sáng thứ bảy nhưng hiếm khi anh về đúng giờ. Chưa kể, cuối tuần nào anh cũng phải gấp rút xử lý nhiều việc cùng lúc để kịp tiến độ.
Nhân sự ít, người mới vào chưa thạo việc nên nhân viên cũ của công ty làm ngày lẫn đêm, thậm chí cả dịp lễ. Nhiều lúc Thuận cảm giác bị mắc kẹt trong công việc khi không lúc nào thật sự được nghỉ ngơi. Gần đây, chứng rối loạn lo âu có dấu hiệu tái phát, anh dự định xin nghỉ song ngần ngại vì sợ khó tìm được việc lúc này.
Trong khi đó, tháng 7-2023, khi được trao đổi thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, chị Mai Như Phương (quê Tiền Giang) dù buồn nhưng cảm thấy như được giải thoát. Làm nhân viên truyền thông cho một DN kinh doanh nhà hàng, quầy uống tại quận Bình Thạnh, TP HCM, chị thường phải đi công tác cuối tuần. Những ngày trong tuần, dù ra khỏi công ty đúng giờ nhưng đến tối, chị tiếp tục hì hục làm tới khuya. Nhiều lần vào nửa đêm, người quản lý còn nhắn tin giao việc.
Chồng chị Phương bắt đầu có thái độ không vừa lòng khi thấy vợ cả ngày chăm chú vào màn hình điện thoại, máy tính. "Những ngày trong tuần chồng đi công tác, cuối tuần được ở nhà thì tôi lại đi vắng. Có khi mấy tuần lễ vợ chồng không giao tiếp và chia sẻ, mối quan hệ cũng trục trặc" - chị băn khoăn.
Chủ động quản lý cảm xúc
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu ADP (Mỹ) với 32.000 người đi làm, bao gồm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trung bình người lao động làm việc không được trả lương 8 giờ 6 phút/tuần. Nhóm lao động 18-34 tuổi có xu hướng làm việc ngoài giờ nhiều hơn, như: vào làm sớm, ở lại muộn, làm việc trong giờ giải lao hoặc lúc ăn trưa. Cứ 10 người được hỏi thì 1 người cân nhắc tăng thời gian làm việc ngoài giờ như một cách để bảo đảm công việc.
Tại Nhật Bản, nguy cơ bị karoshi (chết vì làm việc quá sức) ngày càng được quan tâm. Làm việc nhiều giờ, không có cuối tuần hay ngày nghỉ cũng trở thành một vấn đề nóng được đề cập tại nhiều nước như: Hàn Quốc, Ấn Độ...
Tại Việt Nam, những nhân sự không bị cắt giảm lao động phải đối mặt tình trạng căng thẳng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là do khối lượng công việc quá tải. Bên cạnh đó, cảm giác thiếu an toàn và lo không biết khi nào mình bị cắt giảm khiến gánh nặng thêm chồng chất.
Theo ông Phan Sơn, Chủ tịch kiêm Chuyên gia trưởng Học viện Quản trị HRD Academy (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), sau dịch COVID-19, cảm nhận, suy nghĩ của nhiều người về cuộc sống bất định ngày càng sâu sắc. Để thích ứng với sự mơ hồ như thế, cần rèn luyện tâm lý bản thân sao cho thật vững chãi, qua việc quản trị sức khỏe tinh thần. Muốn vậy, nên bắt đầu từ việc xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc.
Ông Sơn nhìn nhận: "Môi trường làm việc hạnh phúc không phải là thứ tự nhiên có mà xuất phát từ cách người lao động ứng xử, giao tiếp với đồng nghiệp và chủ động quản lý cảm xúc, tâm trí. Đối với DN, chủ trương này thể hiện qua mức độ ưu tiên và các hành động cụ thể để cùng kiến tạo môi trường làm việc tử tế, văn minh và hạnh phúc".
Bình luận (0)