Ngày 22-4-2020, khi đến công ty làm việc như thường lệ, anh Nguyễn Văn Nghiệm, nhân viên bảo trì cơ khí Công ty TNHH S.G (huyện Nhà Bè, TP HCM), bị bảo vệ ngăn không cho vào xưởng. Anh Nghiệm thắc mắc thì được bảo vệ giải thích là làm theo chỉ đạo của ông T.V, giám đốc công ty. Đến trưa cùng ngày, anh nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) kể từ ngày 17-6. Đại diện phòng nhân sự cũng yêu cầu anh Nghiệm ngồi ở phòng bảo vệ cho đến khi nghỉ việc vì công ty không có việc cho anh làm, cơm trưa sẽ được mang tận nơi.
Bỗng dưng mất việc
Trong thông báo chấm dứt HĐLĐ, phía công ty viện dẫn lý do bất khả kháng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, do tác động của dịch, doanh thu công ty sụt giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái và trong tháng 3 công ty đã phải ngưng sản xuất 10 ngày. Dự kiến, thời gian tới doanh thu sẽ giảm mạnh hơn và số ngày ngưng sản xuất sẽ nhiều hơn nên công ty buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm. Do nhu cầu bảo trì của nhà máy không nhiều nên công ty buộc phải cắt giảm lao động.
Tuy nhiên, anh Nghiệm cho rằng đó chỉ là cái cớ công ty ép anh nghỉ việc. Thời gian qua, công việc ở bộ phận anh vẫn đều đặn và chưa một công nhân (CN) phải ngừng việc ngày nào. Do vậy, công ty nói không có việc cho anh làm là không thỏa đáng.
Bỗng dưng mất việc oan vì dịch bệnh, công nhân Công ty TNHH Sun Print Việt Nam khởi kiện doanh nghiệp ra tòa
"Trong thời gian làm việc, tôi chưa hề vi phạm kỷ luật. Cách hành xử của lãnh đạo công ty rất khó chấp nhận" - anh Nghiệm bức xúc. Sau khi anh Nghiệm khiếu nại đến cơ quan chức năng, công ty đã thỏa thuận bồi thường gần 100 triệu đồng để hợp thức hóa việc chấm dứt HĐLĐ sai luật với anh.
Cũng bị cho nghỉ việc vì lý do dịch bệnh, mới đây, 46 CN Công ty TNHH Sun Print Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) đã quyết định khởi kiện doanh nghiệp (DN) ra tòa. Theo phản ánh của CN, lấy lý do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngày 29-5, công ty thông báo đơn phương chấm dứt HĐLĐ với họ và yêu cầu phải nghỉ việc từ ngày 1-6-2020.
Số CN trên cho biết việc công ty lấy lý do khó khăn do dịch bệnh để chấm dứt HĐLĐ là không thỏa đáng, bởi thời gian qua, họ vẫn làm việc bình thường, thậm chí còn tăng ca. Mới đây, ban giám đốc còn tái ký HĐLĐ với một số CN. Tại buổi hòa giải do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) quận Bình Tân tổ chức, ông Yang Shun Hsien, giám đốc công ty, giải thích thời gian qua chỉ khoảng 13% CN phải tăng ca; riêng việc tái ký HĐLĐ chỉ thực hiện với lao động có tay nghề.
Công ty cũng cho biết CN nào đồng ý chấm dứt HĐLĐ sẽ được công ty hỗ trợ thêm nửa tháng tiền lương ngoài tiền chi trả cho thời gian báo trước. Không chấp nhận cách giải thích thiếu thuyết phục của lãnh đạo công ty, 46 CN quyết định khởi kiện.
Cắt giảm lao động, áp dụng quy định nào?
Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều DN dẫn đến việc cắt giảm lao động. Tuy nhiên, các quy định về chấm dứt HĐLĐ do ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến phát sinh tranh chấp lao động.
Theo hướng dẫn tại khoản 2a, điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, dịch bệnh là lý do bất khả kháng và DN được quyền chấm dứt HĐLĐ với người lao động (NLĐ) theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 38 Bộ Luật Lao động (BLLĐ). Hiện nay, phần lớn DN đều áp dụng quy định này để cắt giảm lao động trong mùa dịch. Trong khi đó, Công văn 1064/LĐTBXH-QHLĐTL của Bộ LĐ-TB-XH lại hướng dẫn "Nếu vì dịch mà DN phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo điều 38 hoặc điều 44 BLLĐ".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi hướng dẫn DN cắt giảm lao động, các cơ quan chức năng thường hướng DN giải quyết theo quy định tại điều 44 BLLĐ. Lý giải vấn đề này, Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho rằng nếu áp dụng quy định tại điểm c, khoản 1, điều 38 BLLĐ, công ty chỉ cần báo trước cho NLĐ theo quy định nên giữa DN và NLĐ khó đạt được sự đồng thuận. Nếu hai bên không có sự trao đổi, chia sẻ những khó khăn với nhau thì rất dễ phát sinh tranh chấp lao động.
"Nếu thực hiện theo điều 44 BLLĐ thì DN phải lập phương án sử dụng lao động và có sự tham gia của Công đoàn. Công đoàn cơ sở sẽ phổ biến chính sách của DN đến NLĐ và đại diện cho NLĐ nói lên tâm tư, nguyện vọng của họ. Cách làm này sẽ giúp hai bên có sự thấu hiểu, chia sẻ lẫn nhau. Rõ ràng việc thực hiện theo điều 44 sẽ thuận lợi hơn cho DN và NLĐ" - đại diện Sở LĐ-TB-XH TP khẳng định.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng, giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Mở TP HCM, khi DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn tới phải cho NLĐ nghỉ việc thì có thể lựa chọn áp dụng điều 38 hoặc điều 44 BLLĐ. Tuy nhiên, khi áp dụng điều 38 BLLĐ (điểm c, khoản 1), DN phải chứng minh được việc đã tìm mọi biện pháp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra nhưng không hiệu quả, vẫn phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Nếu DN không chứng minh được thì việc chấm dứt HĐLĐ là trái luật. Trường hợp chứng minh được thì trước khi chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, DN phải tuân thủ thời gian báo trước và có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ theo luật định.
Bình luận (0)