Mới đây, chị Đ.T.N, công nhân (CN) Công ty TNHH M.Y (tỉnh Bình Dương), đã gửi đơn đến Báo Người Lao Động khiếu nại về việc bị doanh nghiệp (DN) sa thải trái quy định pháp luật và quỵt lương. Chị N. cũng cho biết sẽ khởi kiện hành vi của công ty ra tòa đòi quyền lợi. Tuy nhiên, sau khi tham khảo hồ sơ, luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng nếu khởi kiện chị N. sẽ gặp nhiều bất lợi.
Hành xử tùy tiện
Chị N. cho biết chị được công ty tuyển dụng làm CN ở khâu định hình, thế nhưng không hiểu vì lý do gì lại được điều sang làm ở bộ phận máy ép. Thấy công việc ở bộ phận mới không phù hợp, chị xin trở lại công việc cũ nhưng không được chấp nhận. Đã vậy, công ty còn đòi điều chị sang bộ phận chà nhám.
Trong thời gian làm việc, công ty liên tục ép CN tăng ca đến 22 giờ đêm mỗi ngày, chủ nhật cũng không được nghỉ. Ngày 28-2, do bị bệnh nên chị viết đơn xin về sớm, không tăng ca. Dù đơn không được quản lý phê duyệt nhưng do không thể tiếp tục công việc nên chị tự ý bỏ về. Hai ngày sau, chị trở lại công ty làm việc và nộp bù đơn xin nghỉ bệnh kèm theo giấy khám bệnh. Cho rằng giấy khám bệnh của cơ sở khám tư nhân không hợp lệ, công ty không chấp nhận đơn xin nghỉ bệnh của chị N. Đồng thời, trưởng phòng nhân sự không cho chị N. trở lại bộ phận máy ép làm việc mà yêu cầu chị sang làm ở khâu chà nhám; nếu không đồng ý thì nghỉ việc. Quá bức xúc nên chị N. bỏ về và không quay lại làm việc từ đó đến nay. "Mới đây, tôi quay lại để nhận lương thì trưởng phòng nhân sự thông báo công ty đang xem xét xử lý kỷ luật sa thải tôi vì tự ý bỏ việc và sẽ không trả lương tháng 2-2020" - chị N. bức xúc kể.
Một vụ hòa giải tranh chấp lao động tại quận Tân Phú, TP HCM
Xem xét hồ sơ, luật sư Nguyễn Văn Phúc nhìn nhận trong vụ việc này, chị N. đã có cách hành xử chưa phù hợp, do vậy sẽ gặp bất lợi khi đòi quyền lợi. Theo ông Phúc, việc công ty ép CN tăng ca nhiều giờ; tùy tiện điều chuyển công việc khác với thỏa thuận ban đầu trong hợp đồng lao động (HĐLĐ); không trả lương cho người lao động (NLĐ) là trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, thay vì phản ánh vụ việc đến chủ DN và cơ quan chức năng để được xem xét, can thiệp bảo vệ quyền lợi thì chị N. lại chọn cách tự ý bỏ việc. Theo quy định của Bộ Luật Lao động, nếu NLĐ tự ý bỏ việc quá 5 ngày/tháng mà không có lý do chính đáng thì DN có quyền xử lý kỷ luật sa thải.
Cẩn tắc vô áy náy
NLĐ phải chịu thua thiệt do thiếu hiểu biết pháp luật như trường hợp nêu trên không phải là hiếm. Chị Nguyễn Thị Phượng, CN Công ty TNHH N.V.N (tỉnh Lâm Đồng), cũng rơi vào trường hợp tương tự.
Chị Phượng có ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm với công ty từ tháng 10-2019. Cuối tháng 12-2019, chị Phượng xin giám đốc nghỉ việc (miệng) để về quê và được chấp thuận. Ngày 5-1, chị nộp đơn xin nghỉ việc theo hướng dẫn của giám đốc và nghỉ việc cùng ngày. Những ngày sau đó, chị đến công ty nhiều lần để nhận lương nhưng đều bị khất lần. Bức xúc, chị khiếu nại vụ việc đến các cơ quan chức năng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thanh Thảo, giám đốc công ty, cho biết công ty chấp nhận cho chị Phượng nghỉ việc nhưng cũng đã khuyến nghị chị phải nộp đơn xin nghỉ theo đúng quy định. "Chị Phượng nộp đơn ngày 5-1 và nghỉ việc ngay trong ngày là không tuân thủ thời gian báo trước 30 ngày theo luật định. Do đó, công ty giam tiền lương của chị Phượng để khấu trừ khoản tiền phải bồi thường do hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định pháp luật và vi phạm thời gian báo trước" - bà Thảo chia sẻ.
Anh Lâm Văn Đông, nhân viên kinh doanh, làm việc tại văn phòng đại diện Công ty CP J.L (quận Tân Bình, TP HCM), cũng có nguy cơ thiệt thòi quyền lợi vì không am hiểu luật. Anh Đông cho biết HĐLĐ xác định thời hạn 36 tháng của anh đến tháng 7-2022 mới hết hạn. Ngày 8-1-2020, công ty thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ nhưng anh không chấp nhận. Ngày 17-1, lấy lý do làm ăn thua lỗ, phải cắt giảm nhân sự, công ty thông báo đơn phương chấm dứt HĐLĐ với anh kể từ ngày 8-2. Thực hiện tinh thần thông báo này, anh Đông không đến công ty làm việc từ ngày 8-2 và gửi đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định pháp luật.
Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện công ty cho biết chỉ mới thông báo về việc chấm dứt HĐLĐ chứ chưa ra quyết định nghỉ việc đối với anh Đông. Thông báo cũng ghi rõ công ty đang lập phương án sử dụng lao động để gửi cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM. Trường hợp cơ quan chức năng chấp thuận phương án sử dụng lao động, công ty và NLĐ sẽ lập biên bản thanh lý hợp đồng. "Công ty và anh Đông chưa thực hiện thanh lý HĐLĐ, hơn nữa nếu anh Đông không đồng ý với nội dung thông báo thì có thể nêu ý kiến với công ty, đằng này anh tiến hành bàn giao công việc và không đến công ty làm việc từ ngày 8-2. Như vậy, việc anh Đông nói công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định là không đúng nên không có cơ sở để bồi thường" - đại diện Công ty CP J.L khẳng định.
Hiểu luật để hành xử đúng
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, nhìn nhận tình trạng NLĐ bị thiệt thòi quyền lợi do thiếu hiểu biết pháp luật xảy ra khá phổ biến. Hiện nay, có rất nhiều kênh hỗ trợ giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp luật miễn phí cho NLĐ như các tổ tư vấn pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật trong hệ thống Công đoàn, các văn phòng luật sư... Song, số đông NLĐ vẫn còn tâm lý e ngại, sợ trù dập, mất việc... nên chưa chủ động liên hệ, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền lợi dẫn đến những ứng xử sai lầm. "Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, NLĐ phải tự trang bị kiến thức pháp luật cơ bản nhất để hóa giải các mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động. Đây cũng là "vũ khí" để NLĐ tự bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của bản thân" - luật sư Tín khuyến nghị.
Bình luận (0)