“Chúng tôi là công nhân (CN), chuyên làm những công việc chân tay, trình độ có hạn, không hiểu biết về luật nên mới bị công ty lật lọng. Vậy mà khi chúng tôi khiếu nại thì chẳng có cơ quan nào chịu bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi” - chị Nguyễn Thanh Ngọc, CN một công ty ở tỉnh Long An, bức xúc.
Tự hại mình
Chị Ngọc cho biết vào tháng 6-2014, khi công ty tiến hành ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), thấy mức lương trong hợp đồng chỉ bằng phân nửa mức thỏa thuận lúc phỏng vấn, CN thắc mắc thì giám đốc giải thích ghi thấp để “né” BHXH, chứ thực tế công ty vẫn trả lương đúng thỏa thuận.
“Chúng tôi nghĩ nếu đóng BHXH thấp, không chỉ công ty mà bản thân chúng tôi cũng có lợi vì sẽ bị trừ tiền ít, đồng nghĩa với thu nhập sẽ cao hơn nên tất cả đều đồng ý ký. Ai dè sau đó, công ty chỉ trả đúng mức lương ghi trên HĐLĐ. Giấy trắng mực đen rành rành ra đó, chúng tôi khiếu nại cũng không được giải quyết” - chị Ngọc kể.
Các cơ quan chức năng tỉnh Long An cho rằng CN đã ký HĐLĐ dựa trên sự tự nguyện, hơn nữa cũng không có bằng chứng nào để chứng minh việc công ty cam kết sẽ trả mức lương cao. Vì vậy, khiếu nại của CN không có cơ sở.
Cũng vì không muốn trừ tiền đóng BHXH nhiều, khi ký HĐLĐ, anh Trần Văn Chiến, CN Công ty TNHH T.C (quận Tân Bình,
TP HCM), đã đồng ý với điều khoản “doanh nghiệp (DN) không tham gia BHXH mà sẽ trả khoản đóng BHXH vào lương cho người lao động (NLĐ)”. Sau 5 năm yên ổn với thỏa thuận này, cuối năm 2012, anh bị ngã từ trên cao xuống khi đang làm việc, bị chấn thương sọ não. Sau 3 lần phẫu thuật, đến nay, anh vẫn bị liệt một tay và chưa thể đi lại bình thường, thường xuyên bị động kinh và hầu như mất hẳn khả năng lao động.
Khi tai nạn xảy ra, anh Chiến chỉ được công ty hỗ trợ một phần chi phí điều trị, thuốc men, ngoài ra không được hưởng bất kỳ chế độ trợ cấp tai nạn lao động nào. Cho rằng bị thiệt thòi quyền lợi, mới đây, anh Chiến gửi đơn khởi kiện ra tòa nhưng bị bác đơn vì đã hết thời hiệu.
Lợi trước mắt, hại lâu dài
Qua khảo sát tại nhiều DN, đa phần CN đều nhận thức rõ việc ký HĐLĐ và tham gia BHXH cho NLĐ là trách nhiệm bắt buộc của DN. Thế nhưng, khi DN muốn lách luật, “dỗ ngọt” về những khoản lợi trước mắt thì CN cũng chấp nhận thỏa hiệp, vô hình trung xâm hại quyền lợi của chính mình.
Đơn cử tại Công ty Đ.C (quận 12, TP HCM), dù khi tuyển dụng, công ty khẳng định sẽ ký HĐLĐ nhưng trong số hơn 100 CN có thời gian làm việc tại công ty từ 6 tháng trở lên, chỉ khoảng 10 người được ký HĐLĐ. Khi được hỏi tại sao không yêu cầu công ty thực hiện nghĩa vụ, CN đưa ra lý do “sợ mất việc” để biện minh.
Mới đây, anh Ngô Đức Lợi, CN bộ phận dập da của công ty, bị tai nạn lao động suýt đứt lìa ngón tay cái, phải nghỉ việc không lương suốt 3 tuần để điều trị và không được hưởng bất cứ quyền lợi gì. Khi ấy, CN mới “sực tỉnh” và tiến hành ngừng việc để đòi quyền lợi.
Anh Lợi tâm sự: “Trước đây, tôi nghĩ dù không ký HĐLĐ, không tham gia BHXH nhưng bù lại tiền lương cũng khá nên không quan tâm đến việc đòi hỏi công ty phải ký HĐLĐ hay tham gia BHXH. Qua lần bị tai nạn vừa rồi, tôi mới ý thức được chỉ có tuân thủ pháp luật thì quyền lợi của mình mới được bảo đảm”.
Vừa sai luật vừa thiệt thòi về sau
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, nhận định: “Hiện nay, nhiều người sử dụng lao động cho rằng Bộ Luật Lao động “thiên vị” NLĐ vì có nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ. Thế nhưng, nếu NLĐ không biết dựa vào luật để bảo vệ quyền lợi cho bản thân mà chấp nhận thỏa hiệp với DN thực hiện những hành vi trái pháp luật thì thật đáng tiếc. Việc làm này không chỉ khiến NLĐ bị thiệt thòi quyền lợi về sau mà còn có khả năng bị xử phạt khi vi phạm bị phát giác”.
Bình luận (0)