Học ngoại ngữ luôn là trải nghiệm thú vị để biết thêm ngôn ngữ mới, tìm hiểu về nền văn hóa ở một đất nước nào đó trên thế giới. Trải nghiệm này còn có nhiều cơ hội khác đến với người học theo cách không ngờ tới.
Công việc danh giá
Chị Nguyễn Hường (36 tuổi, TP Hà Nội) là một trường hợp như vậy. Hiện chị Hường là thư ký Đại sứ, làm việc ở Đại sứ quán Slovakia tại Việt Nam. Chị kể năm 2006, khi vừa tốt nghiệp THPT, chị được gia đình động viên sang Slovakia du học. "Học ngoại ngữ thông dụng đã khó, học ngôn ngữ lạ lẫm như Slovakia còn khó hơn. Toàn bộ việc học tiếng của tôi chỉ bắt đầu sau khi sang tới Slovakia" - chị Hường cho biết.
Tuy nhiên, nhờ chăm chỉ học tập, sau 6 năm "đèn sách", chị Hường đã học xong cả chương trình đại học (ĐH) và thạc sĩ chuyên ngành marketing tại Slovakia. Về nước, chị làm cho một công ty truyền thông nhưng khi biết tin Đại sứ quán Slovakia tại Việt Nam tuyển nhân sự, chị đã ứng tuyển. Thời điểm đó, trong những người Việt Nam đến dự tuyển, chỉ có mình chị Hường nói được tiếng Slovakia. Với trình độ học vấn và khả năng sử dụng thành thạo tiếng, chị đã trúng tuyển vào một vị trí công việc danh giá nhiều người ước mơ.
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM sang Indonesia học theo học bổng của Chính phủ nước này
Còn với chị Hồng Tiểu Yến (28 tuổi, quê Tiền Giang) thì theo đuổi tiếng Thái. Yến hiện làm trợ lý cho tổng giám đốc một doanh nghiệp (DN) Thái Lan tại Việt Nam. Yến cho biết khi học năm 2 ĐH ngành kế toán, ngoài tiếng Anh, chị tìm thêm một ngoại ngữ khác để học cho vui. Để rồi, khi tình cờ xem một bộ phim Thái Lan khá ấn tượng, chị đã quyết tâm học tiếng Thái.
"Tôi tự học khoảng 6 tháng mới đến trung tâm đăng ký học. Sau đó xin làm thêm cho một quán có chủ người Thái Lan ở TP HCM để rèn luyện thêm. Chủ quán động viên tôi sang Thái học tiếp, học hơn 1 năm nữa rồi về nước được ông chủ giới thiệu cho công việc hiện tại" - Yến nói.
Theo chị Yến, nhu cầu tuyển dụng nhân sự biết tiếng Thái khá nhiều nhưng ở Việt Nam không nhiều người học tiếng Thái. Vì vậy, nhiều DN phải về nước tìm người đưa sang Việt Nam làm việc. Ngoài công việc chính, thỉnh thoảng Yến nhận đi phiên dịch ngoài giờ cho các tổ chức, DN Thái Lan sang Việt Nam công tác với mức thù lao hậu hĩnh. Cuộc sống của Yến ổn định nhờ cơ duyên đến với tiếng Thái.
Không lo thất nghiệp
Tại Việt Nam, tiếng Ả Rập ít được chú ý và cũng ít nơi đào tạo nhưng anh Trương Lê Sơn (27 tuổi, quê Lâm Đồng) lại theo đuổi bởi tò mò về văn hóa khu vực Trung Đông.
Sau khi tốt nghiệp ngành Ả Rập học của Khoa Đông Phương học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM), Sơn tiếp tục dành học bổng sang Ả Rập Saudi học tiếp rồi ở lại làm việc một thời gian, sau đó quyết định về Việt Nam tìm cơ hội mới.
Với khả năng sử dụng tốt tiếng Ả Rập, lại am hiểu văn hóa đạo Hồi nên Sơn được một công ty liên doanh dầu khí giữa Ả Rập Saudi với Việt Nam mời làm việc. Mức lương khởi điểm 2.500 USD, kèm những phúc lợi như tiền thuê căn hộ dịch vụ, xe đưa đón đi làm... Cuộc sống của anh vì thế mà tiến triển thuận lợi chỉ sau gần 10 năm theo đuổi ngôn ngữ Ả Rập.
ThS Phan Thanh Huyền, quyền Trưởng bộ môn Ả Rập học, Khoa Đông phương học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM), cho biết so với những ngôn ngữ khác, tiếng Ả Rập rất khó, người học sẽ phải nỗ lực, thử thách nhiều mới học được. Những ai theo đến cùng ngôn ngữ này phần lớn đều có được rất nhiều thành công trong sự nghiệp. Hiện cơ hội cho sinh viên (SV) làm việc cho các công ty thương mại với Ả Rập đang gia tăng đáng kể.
SV cũng có thể làm việc cho các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các cơ quan ngoại giao có liên quan đến các nước Ả Rập. "Nhiều tổ chức, trường ĐH khu vực Trung Đông cũng cấp nhiều học bổng cho SV Việt Nam. Vì vậy, khi theo đuổi tiếng Ả Rập, SV sẽ có nhiều cơ hội cả về việc làm lẫn học tập lên cao" - Ths Huyền cho hay.
Cũng là cựu SV khoa Đông phương học, chị Lê Minh Phượng (29 tuổi, quê Tây Ninh), đến với tiếng Indonesia một cách ngẫu nhiên, bởi ngay từ đầu cô không có ý định chọn học ngoại ngữ này. Nhưng sau khi được thầy giáo giới thiệu về ngôn ngữ Indonesia và cơ hội học bổng toàn phần, Phượng quyết định theo học và gắn bó.
"Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi làm việc ở văn phòng liên quan tới du lịch và hỗ trợ những sự kiện của Bộ Du lịch Indonesia với Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi còn làm dịch thuật, phiên dịch hướng dẫn viên du lịch tiếng Indonesia" - Phượng cho biết.
Bình luận (0)