TAND quận Thủ Đức (TP HCM) vừa xử sơ thẩm vụ tranh chấp kinh phí Công đoàn (CĐ) giữa nguyên đơn là LĐLĐ quận Thủ Đức và bị đơn là Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Kim Linh (Công ty Kim Linh). Căn cứ tài liệu do các bên cung cấp, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bố chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn trích nộp toàn bộ kinh phí CĐ từ năm 2013-2019 (tổng cộng hơn 300 triệu đồng).
Né tránh trách nhiệm
Tại tòa, đại diện LĐLĐ quận Thủ Đức trình bày: Công ty Kim Linh thành lập từ năm 2007, hoạt động kinh doanh trên địa bàn quận từ đó đến nay. Từ tháng 1-2013 đến tháng 12-2019, công ty không trích nộp kinh phí CĐ dù LĐLĐ quận đã nhiều lần vận động, nhắc nhở. Do vậy, LĐLĐ quyết định khởi kiện ra tòa, buộc công ty phải thực hiện nghĩa vụ.
Trả lời HĐXX về căn cứ thu kinh phí CĐ, phía nguyên đơn dẫn điều 5 Nghị định 191/2013 (quy định về tài chính CĐ) và Quyết định 35/2017 về phân cấp thu kinh phí CĐ của LĐLĐ TP HCM. Theo đó, kinh phí CĐ mà doanh nghiệp (DN) phải trích nộp là 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động (NLĐ). Khi HĐXX chất vấn trong thời gian từ năm 2013-2019, khi bị đơn không đóng kinh phí CĐ thì nguyên đơn có biện pháp gì để khắc phục, đại diện LĐLĐ quận Thủ Đức khẳng định đã nhiều lần nhắc nhở việc thực hiện nghĩa vụ nhưng DN vẫn né tránh.
Trong khi đó, đại diện Công ty Kim Linh giải thích công ty không còn tổ chức CĐ cơ sở từ năm 2012, do đó không thể trích nộp kinh phí CĐ như nguyên đơn yêu cầu. Tuy nhiên, khi LĐLĐ quận Thủ Đức kiên quyết giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, Công ty Kim Linh đã đồng ý trích nộp nhưng mong muốn dời thời gian đóng sang năm 2022. Trước tòa, đại diện LĐLĐ quận Thủ Đức không chấp nhận việc bị đơn tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện trách nhiệm trích nộp kinh phí CĐ thêm 2 năm.
Cán bộ chuyên trách Công đoàn quận Thủ Đức, TP HCM trao đổi về hồ sơ khởi kiện Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Kim Linh. Ảnh: NGUYỄN TÀI
Không có Công đoàn cơ sở vẫn phải trích nộp
Nêu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND quận Thủ Đức đề nghị tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện do nguyên đơn đưa ra.
Đại diện VKSND quận khẳng định Công ty Kim Linh đã vi phạm pháp luật khi không trích nộp kinh phí CĐ trong thời gian dài. Theo quy định pháp luật về tài chính CĐ (khoản 2, điều 26, Luật CĐ năm 2012), kinh phí CĐ do cơ quan, tổ chức, DN đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ. Về phương thức đóng kinh phí CĐ, DN có trách nhiệm đóng kinh phí mỗi tháng 1 lần cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ (theo điều 6, Nghị định 191/2013).
Căn cứ tài liệu do các bên cung cấp cùng diễn biến tại tòa, HĐXX sơ thẩm đồng tình với quan điểm giải quyết vụ án mà đại diện VKS cùng cấp lập luận tại tòa. HĐXX xét thấy Luật CĐ năm 2012 cũng như văn bản dưới luật liên quan đến vấn đề trên đều bắt buộc DN có nghĩa vụ và trách nhiệm đóng kinh phí CĐ, dù có hay không có tổ chức CĐ cơ sở. Thực tế cho thấy bị đơn không thực hiện trách nhiệm như pháp luật yêu cầu trong thời gian dài.
"Từ những lẽ trên, cơ quan xét xử sơ thẩm quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc bị đơn là Công ty Kim Linh trích nộp toàn bộ kinh phí CĐ trong giai đoạn 2013-2019 tổng cộng 314,3 triệu đồng" - chủ tọa phiên tòa phán quyết.
Kinh phí Công đoàn giúp chăm lo người lao động tốt hơn
Đánh giá về nguồn thu kinh phí CĐ 2%, báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ do Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng cho biết: Thực tiễn tổ chức và hoạt động CĐ Việt Nam nhiều thập kỷ qua cho thấy nguồn kinh phí CĐ cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng để tổ chức CĐ xây dựng được nguồn lực đủ mạnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng giao phó, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ), giảm gánh nặng cho nhà nước trong bối cảnh nguồn lực của nhà nước còn hạn chế, chăm lo tốt hơn cho NLĐ, tạo sự gắn kết lâu dài giữa NLĐ với tổ chức CĐ và DN.
Cùng với đó, xét về bản chất và mục đích chi, trong phân phối các nội dung chi theo quy định, nguồn kinh phí CĐ cơ bản dành cho phúc lợi, chăm lo, bảo vệ đào tạo đoàn viên và NLĐ (chiếm 84,14% trong tổng chi hoạt động tại 4 cấp). Đối với CĐ cơ sở, phần kinh phí này giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm nguồn tài chính để CĐ cơ sở hoạt động, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên - lao động.
Theo ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - nguồn thu/ chi kinh phí CĐ thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện chăm lo phúc lợi và an sinh cho NLĐ thông qua tổ chức CĐ - cầu nối giữa Đảng với NLĐ.
"Chăm lo tốt cho NLĐ thông qua tổ chức CĐ cũng chính là hướng tới chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII" - ông Nguyễn Đình Khang khẳng định.
An Chi
Bình luận (0)