Cho rằng doanh nghiệp (DN) đã vi phạm pháp luật khi cho lao động nữ đang mang thai nghỉ việc, bà T.P.N đã khởi kiện Công ty TNHH Đ.Đ (quận 11, TP HCM) ra tòa đòi bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 290 triệu đồng. Tuy nhiên, tại phiên xử do TAND quận 11 tổ chức mới đây yêu cầu của bà N. đã không được HĐXX chấp nhận.
Mất trắng
Theo đơn khởi kiện, ngày 3-2-2020, bà N. đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn 1 năm với công ty. Đến ngày 20-2-2020, công ty yêu cầu bà N. nghỉ việc nhưng không nêu lý do. Khi đó, bà N. thông báo với công ty là đang mang thai tháng thứ tư và yêu cầu công ty rút lại thông báo nghỉ việc nhưng công ty không đồng ý. Tiếp đó, ngày 5-3-2020, công ty đưa "Đơn xin nghỉ việc" được soạn sẵn và yêu cầu bà N. phải ký vào nếu muốn lãnh lương tháng 2-2020.
Một buổi tư vấn pháp luật cho người lao động do LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM tổ chức
Vì muốn được nhận lương nên bà N. đã cầm bút quẹt một cái vào phía dưới dòng chữ "Người làm đơn". Theo bà N., nét quẹt đó không phải chữ ký bình thường mà bà hay sử dụng. Chủ đích hành vi này là để được lãnh lương chứ không phải đồng ý nghỉ việc như nội dung của tờ đơn. Tuy nhiên, ngày 20-4-2020, công ty vẫn ra quyết định cho bà thôi việc nên bà khởi kiện đòi quyền lợi. Kèm theo đơn khởi kiện, bà N. có gửi cho tòa một đoạn ghi âm cuộc đối thoại giữa bà và người đại diện công ty để làm bằng chứng về việc công ty cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc vì lý do mang thai. T
rình bày tại tòa, đại diện công ty cho hay do không đáp ứng được yêu cầu công việc nên bà N. đã tự ý nghỉ việc khi chỉ mới làm việc được 15 ngày, kể từ ngày ký HĐLĐ. Bà N. cũng đã tự nguyện ký tên vào đơn xin nghỉ việc và còn ghi thêm ngày tháng năm phía dưới dòng chữ "Người làm đơn". "Công ty ra quyết định thôi việc đối với bà N. là căn cứ theo đơn xin nghỉ việc của bà. Công ty không đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ đang mang thai nên không có nghĩa vụ phải bồi thường cho bà N." - đại diện công ty khẳng định.
Với lập luận chữ ký trên đơn xin nghỉ việc chỉ là nét quẹt, không phải là chữ ký của bà N., HĐXX không chấp nhận. Theo tòa, thực tế bà N. đã ký và ghi ngày tháng vào đơn xin nghỉ việc, điều này thể hiện sự tự nguyện của bà. Mặt khác, đoạn ghi âm bà N. cung cấp là cuộc đối thoại bằng tiếng Việt và tiếng Hoa giữa một giọng nam và một giọng nữ, không xác định được là tiếng nói của ai; không xác định được thời gian và địa điểm diễn ra cuộc đối thoại và cũng không có nội dung thể hiện phía công ty cho bà N. nghỉ việc vì lý do mang thai. Bà N. cũng không yêu cầu tòa án dịch hay thực hiện việc giám định đối với đoạn ghi âm nói trên, do đó, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự, chứng cứ này không có cơ sở để xem xét và đánh giá. Từ những nhận định trên, tòa cho rằng công ty cho bà N. nghỉ việc là đúng quy định pháp luật.
Ngộ nhận
Không viết đơn xin thôi việc nhưng vẫn bị cho nghỉ việc nên bà T.T.T.S cũng đã khởi kiện Công ty TNHH G.V (tỉnh Bình Dương) ra tòa.
Bà S. làm việc cho công ty từ năm 2009 và đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Tháng 6-2020, công ty lấy lý do gặp khó khăn do dịch COVID-19 yêu cầu NLĐ ký tên vào "Danh sách xác nhận thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ do COVID-19" được in sẵn. "Khi đó, công ty dùng hình thức thuyết phục, dụ dỗ kèm theo hù dọa nếu ai không đồng ý nghỉ việc, sau này công ty phá sản có khả năng mất luôn sổ BHXH, không được hưởng các chế độ liên quan. Lo sợ mất quyền lợi BHXH nên tôi đã ký tên vào danh sách đồng ý nghỉ việc" - bà S. trình bày. Sau đó, công ty có yêu cầu bà S. viết đơn xin nghỉ việc nhưng bà không làm. Dù vậy, công ty vẫn ban hành quyết định cho bà thôi việc.
Bà S. cho rằng mặc dù đã ký vào danh sách đồng ý nghỉ việc nhưng phải có đơn xin nghỉ việc của bà thì công ty mới được quyền ra quyết định thôi việc. Hơn nữa, thời điểm cho bà S. nghỉ việc, công ty còn hàng và vẫn cho công nhân tăng ca nên việc lấy lý do khó khăn vì dịch bệnh để chấm dứt HĐLĐ với bà là không thỏa đáng.
Trong khi đó, phía công ty cho rằng bà S. có đủ năng lực hành vi dân sự, có kinh nghiệm làm việc nhiều năm, có trình độ học vấn cao nên không thể nói nghỉ việc là do bị công ty dụ dỗ, hù dọa. Về lý do thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, đại diện công ty cho hay đầu năm 2020, do đại dịch COVID-19, công ty không có đơn hàng, doanh thu giảm sút, mọi biện pháp khắc phục không hiệu quả nên phải cắt giảm lao động.
Ban đầu công ty thực hiện cắt giảm căn cứ vào sự tự nguyện của NLĐ (tự viết đơn xin nghỉ việc) và bà S. thuộc trường hợp này. Tuy nhiên, sau đó, các trường hợp tự nguyện nghỉ việc (bao gồm bà S.) cũng đã được công ty đưa vào danh sách 50% lao động bị cắt giảm vì dịch kèm theo phương án sử dụng lao động gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương vào ngày 1-6-2020.
Ngày 11-6-2020, sở này đã có văn bản phúc đáp cho phép công ty được quyền chấm dứt HĐLĐ với NLĐ theo điểm c khoản 1 điều 38 Bộ Luật Lao động. Đến ngày 16-7-2020, công ty ra quyết định cho bà S. thôi việc. "Thời điểm đó, bà S. cũng đã bàn giao công việc, nhận lương, sổ BHXH và làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, việc công ty chấm dứt HĐLĐ với bà S. là có sự thỏa thuận, không phải đơn phương" - đại diện công ty quả quyết.
Căn cứ hồ sơ vụ án, TAND TP Thuận An xác định công ty thật sự gặp khó khăn vì dịch bệnh và đã tuân thủ đúng quy trình khi cắt giảm lao động. Việc bà S. khởi kiện vì cho rằng công ty chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật do đã có hành vi dụ dỗ, hứa hẹn, ép buộc NLĐ nghỉ việc nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh nên không có cơ sở để chấp nhận. Từ lập luận này yêu cầu khởi kiện của bà S. đã bị tòa bác bỏ.
"Để tránh thiệt thòi quyền lợi, NLĐ cần trang bị những kiến thức pháp luật cần thiết hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị tư vấn pháp lý trước khi đặt bút ký các văn bản có liên quan đến quyền lợi".
Luật sư TRẦN HỮU TÍN - Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, khuyến nghị
Bình luận (0)