Công đoàn (CĐ) cơ sở cần chủ động trong việc tham gia xây dựng thang, bảng lương và sớm thông báo cho người lao động (NLĐ) biết để họ yên tâm làm việc. Đó là chỉ đạo xuyên suốt của LĐLĐ TP từ trước mỗi đợt điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng. Tại TP HCM, nhiều doanh nghiệp (DN) đã hợp tác chặt chẽ với CĐ cơ sở thực hiện khá tốt điều này, góp phần ngăn ngừa nguy cơ tranh chấp.
Nhạy bén
Là một trong những DN sử dụng đông lao động, khoảng 11.000 công nhân (CN), nên việc ổn định quan hệ lao động là ưu tiên hàng đầu của ban giám đốc và CĐ Công ty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM).
Chia sẻ kinh nghiệm “đàm phán” về tiền lương với ban giám đốc, ông Nguyễn Thanh An, chủ tịch CĐ công ty, cho biết để thương lượng thành công, ngoài tuân thủ pháp luật, đội ngũ cán bộ CĐ phải thực sự nhạy bén và chọn thời điểm thích hợp để thuyết phục. Ông An dẫn chứng cụ thể là hằng năm, khi quy định về việc điều chỉnh LTT vùng được ban hành, CĐ cơ sở chủ động nắm bắt và thông tin ngay cho DN cũng như tập thể CN biết để họ cập nhật quy định mới về chế độ, chính sách. Song song đó, CĐ chủ động khảo sát đời sống CN để có cơ sở đề xuất mức nâng lương phù hợp với ban giám đốc trong quá trình thương lượng. “Thực tế, việc nâng LTT sẽ khiến chi phí trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ tại DN tăng theo. Với tư cách là người đại diện cho tập thể lao động, CĐ cơ sở cần lập luận vững để thuyết phục DN đồng ý với các đề xuất. Mặt khác, CĐ phải chứng minh để DN thấy được chính CN là người đem lại lợi nhuận cho DN và chăm lo cho họ là việc nên làm” - ông An cho biết. Nhờ sự nhạy bén cùng quy trình chặt chẽ ấy mà những năm qua, DN không hề xảy ra tranh chấp lao động. Không những thế, chính sách tiền lương hợp lý tại DN còn khiến hầu hết NLĐ hài lòng. Riêng về việc điều chỉnh LTT năm nay, DN áp dụng mức 3,745 triệu đồng/tháng đối với CN mới; CN có thâm niên sẽ được nâng thêm 12,9% trên mức lương cũ. Như vậy, mức tăng lương đợt điều chỉnh lương vừa qua từ 400.000 đồng đến hơn 800.000 đồng/người/tháng.
Không để nước đến chân mới nhảy
Tại TP HCM, trước Tết Nguyên đán, nhiều CĐ cơ sở sớm tranh thủ thương lượng với người sử dụng lao động về việc điều chỉnh LTT, góp phần ổn định tâm lý NLĐ.
Điển hình như CĐ Công ty TNHH Ampfield (KCN Tân Bình). Hiểu được DN mấy năm nay gặp khó khăn về đơn hàng, thậm chí có những tháng CN phải nghỉ chờ việc nên ngay từ khi các phương án nâng lương chưa được thông qua, CĐ đã chủ động thông báo để ban giám đốc cân đối tài chính. Bên cạnh đó, CĐ cũng tích cực tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng CN để có cơ sở thương lượng với DN; đồng thời vận động tập thể CN chia sẻ khó khăn với ban giám đốc. “Từ những số liệu CĐ cung cấp, ban giám đốc hiểu được chất lượng sống của CN còn thấp và hạ quyết tâm phải ổn định cho được đời sống anh em CN. Từ suy nghĩ ấy, những đề xuất hợp lý của CĐ đều được ban giám đốc ủng hộ” - bà Võ Thị Sáu, chủ tịch CĐ công ty, bày tỏ. Cụ thể, DN vẫn duy trì các khoản phụ cấp và nâng lương cho CN. Mức lương cơ bản đối với thợ phụ là 3,9 triệu đồng/tháng. Đối với thợ may bậc 1, lương cơ bản được tính bằng công thức 4,1 triệu đồng x 12% và cứ mỗi bậc sẽ nhân thêm 5%. Nhờ thiện chí chăm lo ấy nên dù thu nhập giảm do đơn hàng ít, số đông CN vẫn quyết tâm bám trụ.
Còn tại Công ty TNHH MTV Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân), bám sát mục tiêu “nâng lương song song với nâng chất lượng đời sống CN”, hằng năm, ban chấp hành CĐ sớm chủ động lên phương án thương lượng. Điển hình như đợt nâng lương vừa qua, nhờ ban giám đốc và CĐ cơ sở sớm ngồi lại thương lượng mà CN được hưởng chế độ đãi ngộ tốt. Cụ thể, vào tháng 11 hằng năm, DN sẽ xét nâng lương định kỳ cho CN và khen thưởng CN năng suất cao trong tháng 12. Sự đồng thuận ấy không chỉ giúp DN giải tỏa nỗi lo mất cân đối về tài chính mà còn thực hiện khá tốt việc điều chỉnh LTT vào đầu năm sau. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của CN là 5,5 triệu đồng/tháng. “Kinh nghiệm của bản thân tôi là phải chủ động thương thảo, đừng để nước đến chân mới nhảy” - bà Phan Thị Minh Thu, chủ tịch CĐ công ty, khẳng định.
Bình luận (0)