Tháng 8 là mùa cao điểm của doanh nghiệp (DN) tuyển dụng để chuẩn bị kinh doanh và chạy doanh số cuối năm. Đây cũng là thời điểm sinh viên (SV) tốt nghiệp bước vào thị trường lao động. Không ít người mới ra trường tự tin sẽ được các DN lớn chào đón, nhận được công việc lương cao và làm việc trong những tòa nhà văn phòng sang trọng. Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng may mắn và có cơ hội như vậy.
Lượng sức mình
Đặt mục tiêu phải vào DN lớn làm việc nên ngay từ năm cuối, Vũ Thị Huyền (23 tuổi, quê Gia Lai) đã tìm mọi cách để tiếp cận cơ hội việc làm ở những DN đã chọn. Nhưng sau nhiều lần ứng tuyển, Huyền đều không đạt dù thành tích học tập khá ấn tượng.
"Tôi thể hiện rất tốt trong các lần phỏng vấn vì đã nghiên cứu kỹ về công ty nhưng có lẽ chưa có kinh nghiệm nên không được chọn. Cũng có thể là do cạnh tranh cao bởi thị trường việc làm đang cung lớn hơn cầu" - Huyền nhận định. Gần 1 năm kiên trì vẫn không được như mong muốn, cô chuyển hướng ứng tuyển vào các DN nhỏ hơn, thậm chí DN mới thành lập để có việc làm.
Đầu tháng 7 vừa qua, Huyền đã được nhận vào bộ phận truyền thông của một nhãn hàng mỹ phẩm thiên nhiên tại quận Gò Vấp, TP HCM. Mức lương và quy mô DN không như ý nhưng với Huyền, ưu tiên bây giờ là phải có việc để làm, không còn cơ hội kén chọn.
Sinh viên mới ra trường (trái) ứng tuyển tại một doanh nghiệp ở TP HCM
Cũng tự tin vào thành tích học tập tốt cùng với sự năng động, tham gia nhiều hoạt động đoàn, hội nhưng phải hơn 1 năm Nguyễn Lê Nguyên (23 tuổi, quê Đồng Nai) mới có được công việc đầu tiên. Tất cả cũng vì Nguyên chỉ muốn làm việc ở những tập đoàn lớn, DN tên tuổi. "Dù được đánh giá cao trong các lần phỏng vấn, nhiều vị trí ứng tuyển cũng không yêu cầu kinh nghiệm, mức lương tôi đề nghị hạ thấp dần nhưng đến nay tôi mới có việc làm tại một DN tư nhân nhỏ" - Nguyên nói.
Trong khi đó, do có sự định hướng của gia đình nên ngay khi tốt nghiệp, Thái Hoàng Thuận (24 tuổi, ngụ TP HCM) đã được "gửi gắm" vào làm cho một DN nhà nước chuyên về dịch vụ lữ hành du lịch. Gần 1 năm làm tập sự ở bộ phận chăm sóc khách hàng, Thuận nhận ra công việc và chuyên môn không phù hợp nên thường gặp khó khăn. Mọi thứ cứ lặp đi lặp lại khiến Thuận luôn đi làm trong trạng thái căng thẳng nên đã xin nghỉ để tìm kiếm cơ hội mới. Mới đây, Thuận đã tìm được công việc phù hợp với chuyên môn là lập trình viên tại một DN tuy nhỏ nhưng được trọng dụng.
Không nên "kén cá chọn canh"
Ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Huỳnh Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển và Ứng dụng công nghệ Bách Khoa (quận Tân Phú, TP HCM), cho biết trước đây ông tuyển không ít ứng viên chưa có kinh nghiệm, mạnh dạn đưa ra mức lương cao cho họ.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào công việc, ông thất vọng bởi những việc nhỏ nhất như soạn một văn bản, cân chỉnh sao cho phù hợp họ cũng mất cả ngày mới hoàn thành. Gặp khách hàng thì họ không biết cách giao tiếp, giới thiệu sản phẩm như thế nào dù được học rất kỹ. "Có một vấn đề tôi nhận thấy ở những nhân sự trẻ mới ra trường là không cần biết DN đang làm ăn như thế nào nhưng văn phòng phải hiện đại, đẹp, có không gian nhiều cây xanh, có đồ ăn nhẹ… Đó là những mong muốn giản đơn nhưng cũng thể hiện sự non trẻ, chưa chín chắn của người đi làm" - ông Thắng bộc bạch.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Giám đốc Toàn quốc dịch vụ tư vấn tuyển dụng Adecco Việt Nam, nhận định thị trường tuyển dụng từ nay đến cuối năm vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, cơ hội việc làm cho SV mới ra trường cũng không mấy khả quan. Tuy nhiên một số ngành dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường việc làm như: công nghệ, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo và dịch vụ kỹ thuật.
"Vì thế, thay vì chọn DN lớn hay nhỏ, công ty CP hay TNHH, làm nhà nước hay tư nhân... thì nên tập trung xem xu hướng tuyển dụng đang như thế nào để có việc làm trong tầm tay. Hơn nữa, chiến lược tuyển dụng hiện khác xa so với trước đây nên nếu không cập nhật, làm mới bản thân thì tìm được việc làm còn khó nói chi đến quy mô, loại hình DN" - ông Chương thẳng thắn.
Công việc đầu tiên rất quan trọng trong sự nghiệp của bất kỳ ai, do đó phải cân nhắc kỹ. Theo ông Chương, SV mới tốt nghiệp không cần nhắm tới những DN, đơn vị có tên tuổi lớn, quan trọng là tìm được một vị trí công việc phù hợp, vừa sức, môi trường làm việc năng động, có cạnh tranh để nhận ra điểm mạnh, yếu của mình. Từ đó, giúp thúc đẩy sự phát triển của bản thân.
Bình luận (0)