Mỗi lần về quê, tôi lại được nghe đủ thứ chuyện trong các công ty, lương bổng cao thấp thế nào, tăng ca nhiều ít ra sao… từ hàng xóm, láng giềng.
Ảnh minh họa
Lần nào cũng vậy, nói một hồi, các anh, các chị lại nhắc đến tình trạng nhân sự quản lý ức hiếp, quát nạt CN. Làm chậm, không đạt năng suất bị mắng, xin đi vệ sinh nhiều lần trong ngày cũng bị nhắc nhở. Điều này gây ra nhiều bức xúc, thậm chí có lần còn xảy ra xô xát. Sự thiếu thông cảm giữa quản lý và người lao động dẫn đến hậu quả là nhiều người trong xóm tôi cứ làm được một thời gian lại xin nghỉ dù thu nhập cao hơn công việc làm nông. Tuy nhiên, em tôi lại khác, em đã gắn bó với Công ty Ngày Vinh Quang hơn 5 năm. So với các doanh nghiệp khác thì công ty này khá nhỏ, thu nhập của người lao động cũng ít hơn mà đoạn đường từ nhà đến công ty em làm việc lại xa gấp 3-4 lần công ty khác. Vậy mà tôi chưa một lần nghe em mình phàn nàn về công việc. Mỗi lần tôi hỏi sao không chuyển về gần nhà làm cho tiện, em lại bảo: "Công ty em vui, công ty gần nhà lương cao nhưng khó xin việc mà quản lý nhiều lúc lại không tôn trọng người lao động". Hỏi mới biết ở công ty em tôi, dù công việc cũng có những lúc cao điểm khá vất vả nhưng giữa quản lý và CN rất ít khi xảy ra va chạm hay to tiếng. Hơn nữa, cán bộ Công đoàn (CĐ) ở đây thường hay lui tới, hỏi han nên CN nào cũng nhớ mặt. Như trường hợp của em tôi, nghỉ thai sản trước Tết một tháng, thời điểm công việc bận rộn nhưng đến ngày 30 Tết, CĐ vẫn liên lạc chúc Tết và gửi đến tận nhà cho em một phần quà nhỏ.
Ông bà ta có câu "của cho không bằng cách cho" rất đúng với trường hợp của em tôi. Tết nhất, nhà quà bánh ê hề chẳng thiếu thứ gì nhưng khi nhận phần quà đơn sơ của CĐ gửi tặng, em vẫn rất vui. Vì vậy, những việc làm tưởng chừng rất nhỏ nhặt nhưng được làm với tất cả tấm lòng lại là lý do gắn kết người lao động với doanh nghiệp.
Bình luận (0)