Vỗ ngực tự xưng mình là luật sư cùng đủ thứ bằng cấp, “thầy dùi” hết đưa ra chính sách này lại đề xuất cải cách kia khiến tâm lý công nhân lúc nào cũng căng như dây đàn. Gần đây nhất là chuyện xảy ra giữa tháng 12-2014.
Thời điểm đó, công nhân rất nôn nao muốn biết kế hoạch tăng lương và thưởng Tết. Thế nhưng giám đốc lại bận đi công tác nước ngoài nên việc công bố bị chậm trễ. Một số công nhân sốt ruột chạy đi hỏi trưởng phòng nhân sự thì nhận được câu trả lời: “Mấy người đừng có mơ tăng lương. Công ty đang khó khăn nên chỉ điều chỉnh chớ không có tăng đâu mà ham”. Ý của anh nhân sự là chỉ tăng cho những ai có mức lương cơ bản dưới 3,1 triệu đồng/ tháng. Còn những công nhân làm việc lâu năm, đang hưởng lương cao hơn mức đó thì... miễn bàn!
Thông tin nhạy cảm ấy lan nhanh còn hơn... cháy nhà. Ở các xưởng, xuất hiện tình trạng công nhân chễnh mảng, lo ra; tụ tập nói chuyện, bàn tán. Rồi có người cho biết sẽ viết đơn kiến nghị gởi vào thùng thư góp ý của công ty. Ý kiến được tán thành. Mấy ngày sau vẫn không thấy động tĩnh gì, có người bực tức buông một câu: “Đình công luôn cho biết mặt”. Vậy là người này chuyền tai người kia, hẹn nhau thời điểm đồng loạt ngưng việc để phản kháng chuyện “điều chỉnh” chứ không phải tăng lương.
Chuyện tày đình như vậy mà ban giám đốc chẳng hề hay biết. Cho đến khi nổ ra cuộc ngừng việc thì giám đốc vừa về tới, mặt xanh lét chạy xuống xưởng: “Có chuyện gì sao anh em không gởi đơn kiến nghị cho ban giám đốc?”.
Giám đốc của tôi là người nước ngoài nhưng biết tiếng Việt. Tuy vậy, ông luôn có 1 phiên dịch đi kèm với trưởng phòng nhân sự là phiên dịch thứ hai. Ông hỏi mấy lần, công nhân đùn đẩy nhau, cuối cùng có một người lên tiếng: “Chúng tôi có gởi đơn trong thùng thư góp ý của công ty”.
Giám đốc quay sang trưởng phòng nhân sự: “Đơn của anh em đâu sao ban giám đốc không nhận được?”. Mặt trưởng phòng nhân sự đỏ lừ. Anh ta lúng túng: “Dạ, tại phòng nhân sự thấy chuyện không đáng, sợ ban giám đốc lo nên không trình lên”.
Một công nhân đứng lên: “Chuyện lương bổng liên quan tới đời sống của công nhân mà sao phòng nhân sự lại cho là không quan trọng? Sẵn đây chúng tôi hỏi giám đốc, xin được trả lời luôn là công ty sẽ tăng lương cho tất cả công nhân hay chỉ tăng cho một số công nhân mới, lương thấp như thông báo của trưởng phòng nhân sự?”.
Giám đốc ngơ ngác: “Thông báo nào? Bao giờ?”. Mặt trưởng phòng nhân sự từ đỏ chuyển sang xanh rồi xám xịt: “Dạ... đó chỉ là ý kiến cá nhân thôi ạ. Ý tôi là phòng nhân sự tham mưu cho ban giám đốc như vậy...”.
Đến lượt mặt giám đốc đỏ lên: “Ban giám đốc chưa có ý kiến gì mà sao anh đi nói lung tung như vậy? Anh rời khỏi đây ngay cho tôi nhờ”. Trưởng phòng nhân sự líu ríu rời đi. Giám đốc hứa hẹn này nọ để công nhân yên tâm trở lại làm việc. Thế nhưng mọi người vẫn... không nhúc nhích. “Anh em còn điều gì muốn nói?”- giám đốc thắc mắc. Một nữ công nhân còn rất trẻ rụt rè đứng lên: “Công nhân muốn công ty thay trưởng phòng nhân sự. Cái ông Hùng đó chuyên môn dùi tầm bậy, tầm bạ. Thầy dùi thì có chớ trưởng phòng nhân sự gì...”.
Giám đốc ngớ người ra vì không hiểu hết câu nói của cô công nhân. Chờ người phiên dịch nói lại, ông trầm ngâm: “Ban giám đốc ghi nhận ý kiến của công nhân nhưng phải có thời gian để xem xét và tìm người thay thế”.
Nghe vậy, mọi người mới chịu trở lại làm việc. Thế nhưng đã nửa tháng trôi qua, vẫn thấy trưởng phòng nhân sự Nguyễn Văn Hùng vênh mặt đi tới, đi lui. Anh em đi “trinh sát” thì phát hiện ban giám đốc cũng đang đau đầu. Bởi thầy dùi là luật sư nên muốn cho anh ta nghỉ việc đâu có đơn giản.
Chị chủ tịch Công đoàn kể sau khi nặng nhẹ bất thành, giám đốc xuống nước... năn nỉ trưởng phòng nhân sự tự nguyện xin nghỉ việc. Thế nhưng anh ta lại đòi một khoản bồi thường trên trời. Giám đốc ôm đầu than: “Tôi mệt anh quá, thầy dùi ơi!”.
Tuy nhiên, cuối cùng hai bên cũng thỏa thuận được. Nghe đâu đến hết tháng này thì thầy dùi sẽ ra đi. Cầu trời, công ty đừng rước về một ông làm nhân sự “kinh hoàng” như Nguyễn Văn Hùng!
Bình luận (0)