“Nếu anh chấp nhận gửi lời xin lỗi đến công nhân (CN) ở chỗ làm cũ thì chúng tôi sẽ cho anh một cơ hội. Họ đều là người làm công ăn lương mà anh nỡ quay lưng và phủi bỏ trách nhiệm khi doanh nghiệp (DN) phá sản, hành vi này rất khó chấp nhận”. Ông Nguyễn Văn Lê, Giám đốc Công ty M.K (quận 12, TP HCM) đã ra điều kiện như vậy với ông N.K.T - ứng viên chức trưởng phòng nhân sự khi ông này nộp đơn ứng tuyển. Cách đây vài năm, khi còn là phó giám đốc công ty S.K (huyện Hóc Môn, TP HCM), “tiếng tăm” của ông N.K.T “nổi như cồn” vì đột ngột bỏ trốn, xù tiền lương và BHXH của gần 100 CN.
Không ai dám nhận
Năm 2012, từ lời mời hợp tác của một ông chủ nước ngoài, ông T. rủ hơn 100 CN về làm việc tại công ty S.K với những hứa hẹn tốt đẹp về tiền lương, đãi ngộ. Là phó giám đốc nhưng ông T. nắm quyền quản lý sản xuất, tuyển dụng và trả lương cho CN.
Ba tháng đầu, khi đơn hàng dồi dào, công ty trả lương đầy đủ nhưng những tháng kế tiếp, do đơn hàng ít, giá gia công thấp, công ty thua lỗ, đối tác nước ngoài cao chạy xa bay. Khi đối tác nước ngoài “biến mất”, ông T. cũng âm thầm tẩu tán máy móc và hàng hóa. CN đòi quyền lợi thì ông cứ khất hẹn rồi cũng bặt tăm khiến nhiều người khốn đốn. Nhờ có LĐLĐ huyện Hóc Môn và các cơ quan chức năng hỗ trợ, CN tìm được việc làm mới.
Đến đầu tháng 12-2014, phát hiện ông T. nộp đơn xin việc tại M.K, một số CN cũ đã gặp lãnh đạo công ty nói rõ sự việc. Sau buổi nói chuyện thẳng thắn với ông Nguyễn Văn Lê, giám đốc công ty M.K, ông T. đã rút đơn xin việc vì không đủ can đảm xin lỗi CN.
Kết cục của bà T.N.B.N, phó giám đốc công ty N.S (huyện Hóc Môn) cũng không khá hơn khi bị một DN da giày tại Bình Dương từ chối nhận vào làm việc. Cách đây vài năm, sau những mâu thuẫn nội bộ trong ban giám đốc, bà N. đã ôm con dấu bỏ trốn khiến việc thanh toán lương và các chế độ cho hơn 150 CN bị đình trệ. Sau đó, khi các cơ quan chức năng gây áp lực, bà N. mới chịu chi trả quyền lợi cho CN.
Hết đất làm ăn
Giờ đã là chủ cơ sở giữ trẻ khá tươm tất ở quận Thủ Đức, TP HCM nhưng ông L.C.C vẫn ăn năn với những việc đã làm trong quá khứ khi còn là giám đốc Công ty T.H. “Tôi đã tự đánh mất uy tín khi không làm tròn trách nhiệm với anh em CN, những người từng đồng cam, cộng khổ với mình lúc khó khăn. Giờ hối hận thì quá muộn vì tôi không có cơ hội để chuộc lỗi với họ” - ông bày tỏ.
Năm 2000 là thời điểm công ty ăn nên làm ra với nhà xưởng rộng cả ngàn mét vuông và hơn 400 CN. Nhưng sau đó, đối tác đột ngột cắt đơn hàng khiến ông C. chới với, phải cho CN nghỉ chờ việc luân phiên và cuối cùng phải đóng cửa công ty. Nợ lương, BHXH của CN, nợ tiền thuê mặt bằng khiến ông C. nghĩ quẫn. Lặng lẽ bán nhà, bán xe hơi trả nợ thuê nhà xưởng, ông C. bỏ đi biệt tăm, mặc cho CN khốn khổ. Lưu lạc khắp nơi, cuối cùng ông quay về TP HCM nhưng không ít lần phải cải trang, bịt kín mặt khi gặp CN.
Trong khi đó, đột ngột đóng cửa một phân xưởng và chối bỏ trách nhiệm giải quyết quyền lợi của hàng trăm CN (hơn 1,3 tỉ đồng trợ cấp thôi việc), kết cục của ông H.M.H, giám đốc công ty H.V (quận Thủ Đức) cũng thật thê thảm: Tài sản phải bán hết để trả nợ, thậm chí không còn nhà để ở. “Giờ tôi đi đâu, làm gì người ta cũng không tin. Tôi hết đất làm ăn rồi” - ông H. than thở.
Dũng cảm đối mặt
Từng rơi vào cảnh làm ăn thua lỗ, nợ lương, BHXH, thậm chí bị tập thể CN kiện ra tòa nhưng ông Kim Chang Ho, Giám đốc Công ty TNHH Anjin (100% vốn Hàn Quốc - quận Bình Tân, TP HCM), lại có cách hành xử khác. Sự sẻ chia của tập thể CN trong những năm ở lại Việt Nam giải quyết vụ việc giúp ông hiểu được trách nhiệm của mình với họ.
“Lúc tôi kiệt quệ, chính họ sẻ chia từng mẩu bánh mì, thậm chí trả luôn tiền xe ôm để tôi đi lại hầu tòa. Cách hành xử của họ khiến tôi rất xúc động” - ông Ho thổ lộ.
Bình luận (0)