Cho rằng bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái quy định pháp luật, ông Nguyễn Văn Bình, cán bộ nhân sự một công ty nội thất ở tỉnh Bình Dương, đã khởi kiện doanh nghiệp ra tòa đòi bồi thường. Tuy nhiên, ở cả 2 cấp xử sơ thẩm và phúc thẩm, yêu cầu của ông Bình đều bị tòa án bác bỏ.
Tự soạn quyết định chấm dứt hợp đồng
Ông Bình cho biết ông vào làm việc tại công ty từ tháng 10-2016 nhưng đến tháng 2-2017 mới được ký HĐLĐ thời hạn 2 năm. Ngày 5-6-2017, giám đốc công ty bất ngờ ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông kể từ ngày 10-6-2017 mà không đưa ra bất cứ lý do gì, cũng không tuân thủ thời gian báo trước. "Đây là hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định, công ty phải bồi thường cho tôi theo quy định pháp luật" - ông Bình khẳng định.
Tuy nhiên, theo đại diện công ty, trước khi ra quyết định chấm dứt HĐLĐ, giữa công ty và ông Bình đã có sự thỏa thuận để ông nghỉ việc. Điều này được thể hiện qua các email trao đổi giữa ông Bình và giám đốc công ty về việc chấm dứt HĐLĐ. Cụ thể, trong một email ông Bình viết: "Hiện tại tuổi tôi cũng đã lớn, không còn năng động, sung mãn như thời còn trẻ nữa, chắc phải chia tay anh thôi. Hy vọng người nối tiếp sẽ giúp được anh nhiều việc trong công tác quản lý, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp hơn. Anh chuẩn bị kiếm người thay nhé...". Sau khi gửi email này, ông Bình đã tự soạn quyết định chấm dứt HĐLĐ, ấn định ngày nghỉ là 10-6-2017, xác nhận nợ lương và đưa cho giám đốc ký cùng lúc với biên bản bàn giao công việc ngày 10-6-2017.
Một buổi hòa giải tranh chấp lao động do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hóc Môn, TP HCM tổ chức
Tại phiên xử phúc thẩm ở TAND tỉnh Bình Dương mới đây, HĐXX nhận định ông Bình đã thể hiện ý chí nghỉ việc của mình thông qua việc tự soạn quyết định chấm dứt HĐLĐ và ấn định thời gian nghỉ. Trên cơ sở đó, giám đốc công ty đã quyết định chấm dứt HĐLĐ. Điều này thể hiện sự đồng thuận chấm dứt HĐLĐ giữa hai bên. Đồng thời, quyết định thôi việc được ban hành sau thời điểm 2 bên thỏa thuận, điều này phù hợp với quy định của Bộ Luật Lao động nên việc ông Bình yêu cầu công ty bồi thường là không có căn cứ.
Trái luật, phải bồi thường
Do thiếu am hiểu pháp luật nên không chỉ riêng người lao động (NLĐ), nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đang nhầm lẫn giữa việc thỏa thuận và đơn phương chấm dứt HĐLĐ dẫn đến thiệt hại không đáng có.
Điển hình là vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH A.P (tỉnh Bình Dương) mới đây. Tháng 6-2013, công ty có tuyển dụng bà Lê Thị Ngọc Liên vào làm cắt chỉ ở tổ may nhưng không ký HĐLĐ. Đến năm 2016, hai bên ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm, sau đó khi HĐLĐ hết hạn 2 bên không ký tiếp và bà Liên vẫn làm việc bình thường. Ngày 29-3-2018, công ty bất ngờ thông báo cho bà Liên nghỉ việc từ ngày 1-4-2018 mà không báo trước. Bà Liên khởi kiện công ty ra tòa.
Trình bày tại tòa, phía công ty cho biết trong buổi họp vào ngày 29-3-2018, công ty chỉ lấy ý kiến NLĐ về việc chấm dứt HĐLĐ chứ chưa cho bà Liên nghỉ việc. "Công ty cũng không có văn bản nào cho bà Liên nghỉ việc nhưng bà ấy đã tự ý nghỉ việc kể từ ngày 1-4-2018. Sau khi NLĐ nghỉ việc, ngày 2-4-2018, công ty mới ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ nhưng chỉ với mục đích là làm thủ tục chốt sổ BHXH cho NLĐ" - đại diện công ty khẳng định. Tuy nhiên, lập luận này của công ty bị HĐXX bác bỏ bởi các chứng cứ đã chứng minh điều ngược lại. Cụ thể, trong biên bản hòa giải tranh chấp lao động ngày 5-4-2018, phía công ty đã thừa nhận tình tình tài chính khó khăn nên sẽ cắt giảm lao động. Công ty chưa thực hiện thông báo bằng văn bản đến NLĐ mà chỉ thông báo miệng. Mặt khác, ở buổi hòa giải tại TAND quận 11, TP HCM, đại diện công ty thừa nhận đã thông báo cho bà Liên nghỉ việc vào ngày 29-3-2018 và đề nghị bồi thường cho bà 9 triệu đồng. Công ty cũng đã chốt sổ BHXH cho bà Liên vào ngày 30-3-2018… Từ những căn cứ trên, tòa cho rằng tuy công ty ra quyết định chấm dứt HĐLĐ sau thời điểm NLĐ nghỉ việc nhưng những hành động của trước đó đã thể hiện ý chí cho NLĐ nghỉ việc. Hành vi của công ty là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật nên phải bồi thường cho NLĐ.
Cẩn trọng khi chấm dứt HĐLĐ
Theo ông Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, trách nhiệm của NLĐ và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động đối với việc thỏa thuận và đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật là hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, ranh giới của 2 hành vi này đôi khi rất mong manh, nếu không nắm vững quy định pháp luật rất dễ nhầm lẫn từ sai thành đúng. Chính vì vậy, mỗi bên cần cẩn trọng khi thực hiện việc chấm dứt HĐLĐ để tránh chuốc phải thiệt hại không đáng có.
Bình luận (0)