Trở về sau chuyến nghỉ mát ngắn hạn tại Phan Thiết, tinh thần của gần 150 công nhân (CN) Công ty TNHH May An Bình (gia công hàng may mặc xuất khẩu; tỉnh Bình Dương) rất phấn khởi.
Lắng nghe và đối thoại
"Chuyến đi thực sự mang lại cảm xúc đặc biệt cho các thành viên ban giám đốc lẫn tập thể lao động. Đã lâu lắm rồi, chúng tôi mới có dịp ngồi lại trò chuyện để hiểu nhau hơn, từ đó tìm ra hướng giải quyết những bất đồng có thể phát sinh trong quan hệ lao động" - ông Cao Đình Bích, Giám đốc Công ty TNHH May An Bình, bày tỏ.
Đi vào hoạt động đã gần chục năm, Công ty TNHH May An Bình chưa bao giờ xảy ra bất ổn. Thực tế, ngoài ổn định việc làm thường xuyên với thu nhập bình quân gần 6 triệu đồng/tháng cho CN, công ty còn quan tâm chăm lo cho họ bằng hàng loạt chế độ đãi ngộ cao hơn luật như: phụ cấp nhà trọ, thâm niên, đi lại... Do vậy, cuối tháng 8-2017, khi một số CN phản ứng cách điều hành, quản lý của doanh nghiệp (DN), cụ thể là tổ chức làm thêm giờ, ban giám đốc không khỏi ngỡ ngàng.
Từ đầu tháng 6-2017, do đơn hàng nhiều nên công ty thỏa thuận với CN làm thêm 2 giờ/ngày (từ 16 đến 18 giờ, 3 ngày/tuần). Lao động nữ tại công ty chiếm số đông, lại là dân ngoại tỉnh, không ít người phải chăm con nhỏ nên có ý kiến đề nghị không bố trí họ làm thêm. Dù biết không thể ép CN làm thêm nếu họ không đồng ý song bộ phận nhân sự cố tình phớt lờ đề nghị này và tổ chức tăng ca như kế hoạch.
Tăng cường đối thoại tại nơi làm việc sẽ giúp công ty triệt tiêu mầm mống tranh chấp
Cuộc sống bị xáo trộn, lại phải tốn thêm khoản kinh phí gửi con ngoài giờ nên nhiều nữ CN rất ấm ức, tiếp tục gửi đơn đề nghị xem xét lại vấn đề tăng ca. Kiến nghị năm lần bảy lượt nhưng không được đoái hoài, hơn 30 CN nữ đã lãn công ngay tại xưởng, sản xuất vì thế đình trệ. Làm việc với ban giám đốc, bộ phận nhân sự nhận thiếu sót và xin lỗi số CN nêu trên. Đích thân ông Bích đã gặp riêng số CN này xin nhận trách nhiệm.
"Bức xúc của CN hoàn toàn chính đáng và lỗi là ở bộ phận nhân sự khi không chịu lắng nghe, dẫn đến tranh chấp không đáng có. Đây là điều đáng tiếc bởi chỉ cần ngồi lại với nhau, tôi tin rằng sự việc đáng tiếc sẽ không xảy ra" - ông Bích nhìn nhận. Chuyến nghỉ mát ngắn ngày do ban giám đốc và Công đoàn (CĐ) phối hợp tổ chức ngay sau vụ tranh chấp chính là dịp để các bên hiểu nhau hơn.
Cách đây không lâu, tại một công ty 100% vốn nước ngoài đóng tại huyện Củ Chi, TP HCM cũng xảy ra tranh chấp do ban giám đốc và tập thể lao động không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề tiền lương. Nguyên nhân là khi nâng lương định kỳ, ban giám đốc đã "cào bằng" quyền lợi giữa CN cũ và CN mới, điều này khiến số CN làm việc lâu năm ức chế. Thay vì vẫn giữ nguyên các khoản phụ cấp trách nhiệm, tay nghề (300.000 đồng/tháng) cho CN gắn bó lâu năm như tinh thần thỏa ước lao động tập thể đã ký kết, công ty lại đột ngột cắt giảm xuống 200.000 đồng, áp dụng cho CN cũ lẫn CN học việc. Cho rằng ban giám đốc "đối xử bất công", một số CN làm việc lâu năm đã tự ý ngừng việc. Tại buổi đối thoại, dù ban giám đốc viện giải đủ thứ nhưng số CN ngừng việc vẫn không đồng ý trở lại làm việc, đồng thời đề nghị công ty thực hiện đúng tinh thần nội dung thỏa ước. Mãi đến khi được các CĐ cấp trên góp ý, ban giám đốc mới nhìn nhận sai phạm và cam kết khôi phục quyền lợi cho CN.
"Biết lắng nghe và nhận sai, thái độ ấy sẽ giúp người sử dụng lao động giải quyết ổn thỏa tranh chấp" - ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, TP HCM, phân tích.
Phải thành ý
Thực tế, tình trạng đối đầu giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) ở các vụ tranh chấp chỉ mang lại bất ổn lâu dài cho doanh nghiệp (DN). Trong xu thế hội nhập sâu rộng, chủ động ngồi lại với nhau để giải quyết các vướng mắc trong quan hệ lao động nên là xu hướng các DN lựa chọn.
Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân (quận Bình Tân, TP HCM) được đánh giá là một trong những DN có quan hệ lao động ổn định với chính sách tiền lương và đãi ngộ CN hợp lý. Có được kết quả này là nhờ ban giám đốc và ban chấp hành CĐ cơ sở đã xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống CN. Đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở với tinh thần lăn xả luôn biết cách tư vấn, hỗ trợ ban giám đốc hoàn thiện chính sách chăm lo cho nguồn nhân lực.
Thành ý của CĐ cơ sở được ban giám đốc ghi nhận và đáp lại bằng thiện chí hợp tác giải quyết các vướng mắc trong quan hệ lao động. Nhờ vậy, không chỉ được bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định, tập thể CN còn được quan tâm, chăm lo chu đáo với hàng loạt chế độ đãi ngộ hợp lý như: hỗ trợ xe về quê ăn Tết; tài trợ kinh phí nâng cao trình độ học vấn, tay nghề.
Tại Công ty TNHH Ever Win (100% vốn nước ngoài; KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM), sự giao thoa trong suy nghĩ lẫn hành động giữa ban giám đốc và CĐ cơ sở (đại diện tập thể lao động) cũng đã giúp gần 500 CN được hưởng chính sách chăm lo, đãi ngộ căn cơ. Hiện nay, ngoài đóng BHXH, BHYT cho CN trên nền lương cơ bản 4,5 triệu đồng/người, công ty còn hỗ trợ thêm các khoản phụ cấp (nhà trọ, đi lại, ăn sáng, nuôi con nhỏ) để họ có thể ổn định cuộc sống… tổng cộng khoảng 600.000 đồng/người/tháng. Đáng nói hơn là các chế độ đãi ngộ này được quy định trong thỏa ước lao động tập thể và linh hoạt điều chỉnh hằng năm thông qua hội nghị NLĐ.
"Chính sách chăm lo tại công ty được hình thành trên cơ sở đối thoại. Thông qua đối thoại thường xuyên, không chỉ quyền lợi cơ bản của NLĐ được bảo đảm mà phúc lợi của họ cũng dần được cải thiện theo hướng nâng cao. Nếu DN và tập thể lao động cùng nhìn về một hướng, chắc chắn mầm mống tranh chấp sẽ bị triệt tiêu" - ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ever Win, khẳng định.
Bình luận (0)