Theo đó, Dự thảo quy định đối với các hình thức nợ BHXH sẽ được chia làm 4 loại nợ BHXH, BHYT và BHTN gồm: Nợ chậm đóng là trường hợp đơn vị có thời gian nợ dưới 1 tháng; nợ đọng là trường hợp đơn vị có thời gian nợ từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; nợ kéo dài là trường hợp đơn vị có thời gian nợ từ 3 tháng trở lên và không bao gồm các trường hợp thuộc nợ khó thu. Nợ khó thu, gồm: Đơn vị mất tích; đơn vị đang trong thời gian làm thủ tục giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; đơn vị không hoạt động, không có người quản lý, điều hành; đơn vị có chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật; đơn vị nợ đang trong thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đơn vị được cấp có thẩm quyền cho khoanh nợ.
Tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài tại các doanh nghiệp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền thụ hưởng của người lao động
Đối với các hình thức nợ kể trên, Dự thảo cũng quy định rõ trình tự thực hiện thu nợ. Theo đó, định kỳ hằng tháng, cơ quan BHXH sẽ gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN cho doanh nghiệp (DN), người sử dụng lao động. Nội dung thông báo sẽ ghi rõ số tiền chậm đóng và tiền lãi chậm đóng (nếu có); đồng thời đôn đốc đơn vị nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN kịp thời, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Riêng đối với các đơn vị nợ đọng, cơ quan BHXH trực tiếp đến đơn vị nợ đọng để đôn đốc, đồng thời gửi văn bản đôn đốc 15 ngày/lần; Sau 2 lần gửi văn bản mà đơn vị nợ đọng chưa nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN thì thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Công nhân một doanh nghiệp tại quận 12, TP HCM lo lắng khi giám đốc bỏ trốn, không tr lương và nợ BHXH
Sau 6 tháng kể từ ngày cơ quan BHXH đến đơn vị đôn đốc và thực hiện các biện pháp đôn đốc mà đơn vị vẫn chưa đóng thì phối hợp với tổ chức Công đoàn khởi kiện ra Toà án hoặc chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nếu phát hiện đơn vị có chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam, cơ quan BHXH phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương lập hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Về quy định tính lãi đối với số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN: Chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; Trường hợp truy thu do điều chỉnh tăng tiền lương tháng đã đóng BHXH, BHTN cho NLĐ, đóng bù thời gian chưa đóng BHXH của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động nhưng sau 6 tháng, kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động về nước mới thực hiện truy đóng thì số tiền lãi phải thu bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian truy thu.
Công nhân Công ty Sea Hwa Vina nhiều năm liền khốn đốn vì chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ BHXH kéo dài
Trốn đóng từ 30 ngày trở lên được cơ quan BHXH, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, thì ngoài việc truy thu số tiền trốn đóng, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền trốn đóng, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng áp dụng tại thời điểm phát hiện.
Ngoài ra, định kỳ 6 tháng, BHXH Việt Nam tổng hợp tình hình nợ, xử lý nợ và giải quyết quyền lợi của người lao động tại các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN, báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính.
Bình luận (0)