Cô nhân viên phòng nhân sự mà tôi quen sau một hồi ấp úng đã nói: “Dạ, Tuấn Anh nghỉ rồi”. Tôi ngớ người ra: “Vậy hả? Nghỉ hồi nào?”. Câu trả lời cho tôi là anh chàng thạc sĩ quản trị kinh doanh học ở Úc về ấy chỉ làm việc được 21 ngày rồi nghỉ với lý do môi trường ở đây không chuyên nghiệp!
Làm chỗ nào cũng nghỉ!
Tuấn Anh là con trai của một chị bạn thân. Gia đình khá giả nên mới lớp 10 đã sang Úc du học. Dù vợ chồng chị bạn tôi muốn cậu con trai phải học tới tiến sĩ rồi làm việc ở nước ngoài nhưng xong thạc sĩ thì Tuấn Anh đòi về. Đó là một ngày hè năm 2014. Chị bạn gọi điện thoại báo tin con trai đã về và muốn tôi giới thiệu giùm một vài công ty để con trai họ đầu quân. Tôi cũng giới thiệu mấy chỗ quen rồi để Tuấn Anh tự tìm đến xin việc. Chừng một tháng sau, nghe chị bạn báo tin Tuấn Anh đã được nhận vào một ngân hàng lớn, tôi cũng mừng.
Bẵng đi một thời gian chừng 3 tháng, chị bạn gọi điện cho tôi, giọng buồn hiu: “Tuấn Anh nghỉ việc ở ngân hàng rồi. Nó chê chỗ đó lương thấp”. Tôi lại nhận nhiệm vụ tìm giúp một chỗ khác khá hơn cho cậu quý tử. Lần này là một công ty chế biến thực phẩm lớn. Chỗ quen biết, khi tôi giới thiệu, họ cũng nhận vào. Tôi lại thêm một lần mừng. Khoảng 6 tháng sau, nhân gặp người bạn ở công ty đó, tôi hỏi thăm thì mãi một lúc sau, bạn tôi mới nhớ ra: “À, Tuấn Anh hả? Nghỉ lâu rồi”. Hỏi ra mới biết anh chàng thạc sĩ ấy sau khi được nhận vào bộ phận phát triển thị trường thì hết đòi hỏi cái này, lại đòi hỏi cái khác. Không được đáp ứng, anh ta bỏ việc. Có lẽ thấy ngại nên chị bạn không gọi cho tôi. Cách chừng mấy tháng, công ty của một người bạn cần tuyển người cũng ở vị trí phát triển thị trường, tuy có hơi ngần ngại nhưng tôi cũng thử vận may một lần cuối là giới thiệu Tuấn Anh vào làm. Lần này thì kết quả như tôi đã nói ở trên: Tuấn Anh lại nghỉ rồi!
Xin đừng “được chăng hay chớ”
Nhiều năm qua, có điều kiện tiếp cận thị trường việc làm, tôi thấy có một bộ phận lao động trẻ được học hành đàng hoàng nhưng rất khó tìm kiếm việc làm. Ngoài nguyên nhân là đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn thì cũng có phần do các bạn trẻ chưa thật sự hiểu mình có năng khiếu gì và muốn làm gì?
Mới đây, tại sàn giao dịch việc làm TP HCM, tôi gặp cô bạn trẻ N.T.T.T, tốt nghiệp ngành sinh học ở một trường đại học lớn của TP HCM. T. cho biết mình tốt nghiệp loại khá, có hộ khẩu ở TP HCM nhưng không kiếm được việc làm đúng sở thích. Lông bông một thời gian, cô và người yêu mở công ty về công nghệ thông tin. Không có kinh nghiệm nên được một thời gian thì công ty đóng cửa. “Giờ tụi em mở quán bún cá nhưng cũng ế ẩm quá. Vốn liếng cha mẹ cho gần hết rồi nên em muốn xin đi làm. Công việc gì cũng được, miễn là có việc làm” - T. tâm sự. Cô cho biết đã tìm được mấy chỗ cần người nhưng lương thấp quá nên còn lưỡng lự chưa nộp hồ sơ. T. nói với vẻ tiếc rẻ: “Biết vậy hồi trước em học ngoại ngữ cho dễ kiếm việc làm”.
Tôi nhìn nhu cầu tuyển dụng đăng trên bảng và quan sát mấy bàn phỏng vấn. Có bạn rời chỗ phỏng vấn với vẻ mặt vui tươi nhưng không ít người lầm lũi bỏ đi. Tình cờ tôi gặp một bạn trẻ, liếc nhìn hồ sơ thấy tên “Tuấn Anh” nên lân la làm quen. Tuấn Anh cho biết mình tốt nghiệp cao đẳng ngành điện tử viễn thông, đây là lần đầu tiên đến sàn giao dịch việc làm. “Tôi đã nộp hồ sơ vô mấy công ty, trúng tuyển chỗ nào thì làm chỗ đó chứ không nhất thiết phải đúng ngành nghề đã học” - Tuấn Anh hào hứng kể.
Những công ty mà Tuấn Anh nộp đơn chỉ có một đơn vị tuyển kỹ sư điện tử viễn thông, còn lại là tuyển nhân viên bảo trì điện lạnh, công nhân cơ khí và nhân viên tiếp thị. Cuối buổi trưa hôm ấy, gặp Tuấn Anh ở cửa Trung tâm Dịch vụ việc làm TP, cậu vui vẻ khoe: “Tôi trúng tuyển rồi”. Tuấn Anh được nhận vào làm công nhân ở một cơ sở gia công cơ khí. Nghe vậy, tôi thấy vừa vui vừa buồn. Vui vì anh bạn trẻ tìm được việc làm, buồn vì thấy nhiều bạn trẻ như Tuấn Anh có tư tưởng “được chăng hay chớ”. Tôi thầm mong một thời gian nữa, khi tôi gọi điện thoại đến phòng nhân sự của công ty cơ khí ấy để tìm anh bạn trẻ thì sẽ không nhận được câu trả lời: “Tuấn Anh nghỉ rồi”.
Bình luận (0)