Cho rằng ông L.K.A, Trưởng Phòng kỹ sư nông nghiệp, vi phạm kỷ luật và nội quy lao động, Công ty TNHH T.F (TP Cần Thơ) đã ra quyết định xử lý kỷ luật lao động (KLLĐ) bằng hình thức sa thải. Thế nhưng khi ra tòa, công ty đã phải bồi thường hơn 920 triệu đồng chỉ vì không chứng minh được lỗi của ông A.
Thiếu chứng cứ
Ông A. làm việc tại công ty từ năm 2009 và đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn. Công việc cụ thể của ông A. là tư vấn kỹ thuật cho nông dân và thu mua nguyên liệu cho công ty.
Đến tháng 1-2020, ông A. bị tạm đình chỉ công việc trong 3 tháng để điều tra các hành vi: Thiếu trách nhiệm trong thực thi công việc gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của công ty; không kê khai quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp; kê khống giá bán sản phẩm để hưởng chênh lệch; thành lập doanh nghiệp (DN) và HTX kinh doanh cùng ngành nghề với công ty. Cũng với các hành vi này, tháng 5-2020, ông A. bị công ty sa thải nên khởi kiện ra tòa.
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Tân Bình, TP HCM hướng dẫn thủ tục khởi kiện cho người lao động
Tại phiên xử sơ thẩm do TAND quận Cái Răng, TP Cần Thơ tổ chức vừa qua, HĐXX nhận định về nguyên tắc, khi xử lý KLLĐ thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải chứng minh được lỗi của NLĐ. Công ty cho rằng ông A. vi phạm nội quy lao động nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh các hành vi vi phạm.
Mặt khác, công ty xử lý KLLĐ trong thời gian ông A. đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi là vi phạm quy định pháp luật. Vì vậy, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông K. và buộc công ty phải bồi thường các khoản theo quy định.
Tương tự, Công ty TNHH Y.V (tỉnh Bình Dương) đã phải nhận cái kết đắng khi không chứng minh được lỗi tự ý nghỉ việc của NLĐ. Ông N.T.B, nhân viên bảo trì, cho biết ngày 9-10-2020, ông được phòng nhân sự thông báo cho nghỉ việc và yêu cầu rời khỏi công ty mà không có lý do. Khi đó, công ty không giao quyết định nghỉ việc mà chỉ đưa 1 tờ "giấy hẹn", hẹn 17 ngày sau sẽ trả quyết định nghỉ việc cho ông B.
\Thế nhưng sau đó, công ty không thực hiện. Khi bị ông B. khởi kiện về hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, đại diện công ty cho rằng chính ông B. đã tự ý nghỉ việc không báo trước; "giấy hẹn" cũng không thể hiện việc công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với ông B. Tuy nhiên, tại tòa, do không chứng minh được hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ của ông B. nên công ty phải bồi thường hơn 146 triệu đồng.
Đủ chứng cứ
Quy trình chấm dứt HĐLĐ hay xử lý KLLĐ đã được Bộ Luật Lao động quy định rất rõ. Nếu tuân thủ đúng, các bên có liên quan, nhất là NSDLĐ sẽ tránh được rủi ro.
Vụ việc xảy ra tại Công ty CP C.T (tỉnh Bình Dương) là một điển hình. Trước đó, tháng 3-2020, công ty này đã ra quyết định sa thải ông T.V.U, nhân viên lái xe nâng, với lý lo thường xuyên bỏ vị trí, nghe điện thoại trong giờ làm việc, có thái độ không đúng mức với cấp trên, bị lập biên bản, xử lý kỷ luật nhiều lần nhưng vẫn tái phạm. Cho rằng công ty không thực hiện đúng quy trình xử lý KLLĐ, ông U. khởi kiện ra tòa đòi bồi thường hơn 168 triệu đồng. Đại diện công ty khẳng định luôn tuân thủ đúng quy trình xử lý KLLĐ.
Cụ thể, các hành vi vi phạm nội quy lao động của ông U. đều được lập biên bản. Đối với các biên bản ông U. không chịu ký tên đều có xác nhận của đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, tổ trưởng và tổ phó phụ trách bộ phận ông U. làm việc. Trước 3 cuộc họp xử lý KLLĐ, công ty có gửi thư mời nhưng ông U. không nhận, cũng không tham gia. Sau khi công ty họp và ban hành quyết định xử lý KLLĐ, ông U. cũng không nhận quyết định. Trước hành vi cố tình không hợp tác của ông U. công ty đã niêm yết công khai các thông báo mời họp, biên bản họp và quyết định xử lý KLLĐ tại đơn vị.
Tại phiên xử phúc thẩm do TAND tỉnh Bình Dương thực hiện vừa qua, ông U. cho rằng hồ sơ xử lý KLLĐ mà công ty nộp tại tòa là do công ty tự lập nhằm hợp thức hóa hồ sơ khi tham gia tố tụng. Ngược lại, các thông báo mời họp, biên bản, quyết định KLLĐ của 3 lần xử lý vi phạm kỷ luật niêm yết công khai được DN cung cấp cho tòa đều được đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, tổ trưởng, tổ phó ký xác nhận. Những người này đều có bản tường trình gửi tòa án xác nhận nội dung sự việc và khẳng định không có mâu thuẫn cá nhân hay xung đột lợi ích nào với ông U. Do vậy, HĐXX xác định công ty ra quyết định xử lý kỷ luật sa thải là đúng trình tự và bác yêu cầu khởi kiện của ông U.
Bình luận (0)