Là thành phố lớn nhất, TP HCM cũng sử dụng lao động nhiều nhất cả nước. Qua kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, năm 2021, TP HCM có gần 5 triệu lao động đang làm việc, trong đó lao động đang làm việc đã qua đào tạo chiếm 85,67%. Đây là con số cao hơn rất nhiều so với trung bình chung cả nước (21,6%).
Lao động phổ thông đang co lại
Khảo sát cũng cho thấy nhu cầu tìm kiếm việc làm tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành nghề đã có sự khác biệt. Cụ thể, có 27.158 người có nhu cầu tìm việc làm ở những vị trí công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, chiếm 20,04% tổng nhu cầu tìm việc làm được thống kê. Các vị trí công việc đó là: kỹ sư QA/QC, kỹ sư bảo trì máy, kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện, kỹ sư điện tử, kỹ sư tự động hóa, lập trình viên, bác sĩ đa khoa, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm, dược sĩ, trình dược viên, kỹ sư công nghệ thực phẩm, nhân viên kỹ thuật may, nhân viên thiết kế thời trang, kỹ sư hóa học, nhân viên môi giới chứng khoán, nhân viên ngân hàng, nhân viên thu hồi nợ…
Đứng thứ 2 là nhóm ngành nghề kinh doanh - thương mại với 23.565 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm, chiếm 17,39% tổng nhu cầu tìm kiếm việc làm. Các vị trí công việc được tìm kiếm nhiều nhất là quản lý kinh doanh, giám sát bán hàng, trưởng nhóm kinh doanh, trưởng phòng kinh doanh, quản lý cửa hàng, trợ lý kinh doanh, nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng, nhân viên thu mua, bán hàng online… Tiếp đến là nhóm ngành hành chính - văn phòng - biên phiên dịch với 14.798 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm, chiếm 10,92%. Các vị trí công việc trong nhóm này là nhân viên hành chính văn phòng, nhân viên lễ tân, nhân viên văn phòng, nhân viên nhập liệu, thư ký, trợ lý giám đốc, chuyên viên văn thư, thông dịch viên, nhân viên dịch thuật…
Chất lượng lao động được nâng cao từ các cơ sở đào tạo của TP HCM
Chiếm gần 10% là nhóm dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng với 13.524 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Trong khi đó, nhóm công việc kế toán - kiểm toán ghi nhận 11.004 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm, chiếm 8,12%. Các vị trí việc làm mà nhóm này tìm nhiều là kế toán trưởng, kế toán nội bộ, kế toán thuế, kế toán kho, kế toán công trình, kế toán tổng hợp, kiểm toán viên…
Số liệu các nhóm ngành nghề có số ứng viên tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2021 tại TP HCM cho thấy bức tranh tuyển dụng theo hướng nhân lực chất lượng cao đang diễn ra mạnh mẽ. Điều đó cho thấy lao động phổ thông đang co lại dần hoặc đã chuyển đổi công việc khác. Đáng chú ý, nhu cầu tìm việc theo cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng có sự thay đổi đáng kể. Có 57.349 người có trình độ đại học trở lên có nhu cầu tìm việc, chiếm 42,32% tổng nhu cầu tìm việc. Trình độ cao đẳng có 22.861 người có nhu cầu việc làm, chiếm 16,87% tổng nhu cầu tìm việc. Trong khi đó, trình độ trung cấp chỉ chiếm 10,82%, sơ cấp 8,86% tổng nhu cầu tìm việc.
Tuyển dụng ngày càng khắt khe
Cơ cấu ngành nghề có sự dịch chuyển theo hướng tìm kiếm những công việc đòi hỏi chuyên môn cao cùng xu hướng tuyển dụng người phải có trình độ đào tạo. Điều đó cũng dễ nhận thấy từ những đòi hỏi ngày càng cao của nhà tuyển dụng.
Anh Đỗ Chí Nam (24 tuổi, quê Quảng Ngãi) - hiện là nhân viên quản lý nhãn hàng cho một công ty thực phẩm ở quận Bình Tân, TP HCM - cho biết bản thân từng dự phỏng vấn vài nơi sau khi tốt nghiệp. Anh Nam đã "nhảy việc" 3 lần trong 3 năm đi làm và nhận thấy nhà tuyển dụng ngày càng đòi hỏi cao hơn. "Tôi tốt nghiệp loại ưu ngành marketing, giao tiếp được tiếng Anh và tin học sử dụng khá thành thạo. Cứ tưởng như vậy sẽ dễ dàng vượt qua các vòng tuyển dụng nhưng thực tế không phải. Gần như các nhà tuyển dụng không mấy quan tâm đến bằng cấp, điều họ cần bây giờ là khả năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng giải quyết tình huống và cả cách thích nghi với dịch bệnh nữa. Tôi cảm nhận được sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay" - anh Nam cho biết.
Bà Lê Hồng Trúc, quản lý nhân sự tại Công ty CP Công nghệ Giáo dục 789 (quận 1, TP HCM), cũng chia sẻ quan điểm trên của người trẻ như Nam. Theo bà Trúc, so với 5 năm trước, nhu cầu tuyển dụng tại TP HCM tăng mạnh ở phân khúc lao động được đào tạo, có tay nghề, kỹ thuật có trình độ cao. "Hằng năm chúng tôi có nhu cầu tuyển hàng chục kỹ sư công nghệ và đa số ứng viên đều tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, cái chúng tôi cần là ứng viên thể hiện được khả năng tự quản trị được công việc của mình, khả năng làm việc từ xa và quan trọng nhất là khả năng sáng tạo trong công việc. Các công ty công nghệ đều xem trọng những lợi thế này khi quyết định tuyển dụng" - bà Trúc nói.
Ông Trần Trung Hiếu, CEO TopCV - ứng dụng tuyển dụng trực tuyến thông minh, cho rằng việc nhà tuyển dụng đòi hỏi ngày càng cao cũng là mong muốn năng suất, chất lượng lao động của người lao động (NLĐ) cao lên. Từ đó mới có những sản phẩm, dịch vụ cho giá trị kinh tế cao, thúc đẩy đời sống của NLĐ tăng cao. Đó cũng là mục tiêu của TP HCM trong phát triển thành phố theo hướng đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại. "NLĐ nên vui mừng trước những đòi hỏi ngày càng cao của nhà tuyển dụng bởi đó là xu hướng phát triển tích cực trong thị trường lao động. Đây cũng là cơ hội để NLĐ tự nâng cấp bản thân để có được những vị trí việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh nhiều biến động như hiện nay. Là một nhà tuyển dụng, tôi mong muốn gặp được những ứng viên chủ động biết được thị trường lao động đang cần gì hơn là thụ động chờ cơ hội mới" - ông Hiếu nhắn nhủ.
Bình luận (0)