Hôm nay, Đại hội lần thứ XII Công đoàn TP HCM (nhiệm kỳ 2023 - 2028) chính thức khai mạc. Nhìn lại kết quả hoạt động Công đoàn TP HCM nhiệm kỳ 2018 - 2023, bà Trần Thị Diệu Thúy, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, khẳng định: "Bối cảnh khốc liệt do dịch bệnh đã cho thấy khả năng ứng phó, sự chuyển đổi nhanh chóng, phù hợp của tổ chức Công đoàn thành phố. Những năm qua, dù điều kiện hạn chế nhưng hoạt động Công đoàn tại TP HCM vẫn rất sôi nổi, bám sát mục tiêu, thực sự hiệu quả và đến được với đoàn viên - lao động. Đó là thành quả của sự kiên trì, nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ Công đoàn cũng như CNVC-LĐ thành phố".
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, tặng quà Tết cho đoàn viên Nghiệp đoàn Xe ôm công nghệ quận Bình Tân, TP HCM trong chương trình “Tết sum vầy” năm 2023Ảnh: MAI CHI
* Phóng viên: Nhiệm kỳ 2018 - 2023 diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch COVID-19 kéo dài. Công đoàn TP HCM đã có những giải pháp cụ thể nào để hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của tổ chức cũng như bảo đảm thực hiện Nghị quyết của Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và Đại hội XI Công đoàn TP HCM?
- Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY: Nhiệm kỳ qua, Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn TP HCM nói riêng bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Thứ nhất là trong lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế, Bộ Luật Lao động 2019 đã cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động (NLĐ) tại doanh nghiệp (DN). Như vậy, sắp tới, Công đoàn Việt Nam sẽ không còn là tổ chức đại diện NLĐ duy nhất.
Đây là thách thức, cũng là cơ hội để tổ chức Công đoàn đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động. Đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2021 đã gây ra tổn thất nghiêm trọng, làm đình trệ mọi hoạt động, Công đoàn cũng không ngoại lệ. Số DN phải tạm dừng hoặc ngưng hoạt động khá lớn, dẫn đến sụt giảm số lượng Công đoàn cơ sở và đoàn viên cùng nhiều tình huống mới phát sinh trong quan hệ lao động. Cùng với đó, hàng chục ngàn NLĐ bị ảnh hưởng về sức khỏe, việc làm, thu nhập.
Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY
Bối cảnh đó buộc Công đoàn thành phố phải chuyển đổi nhanh chóng, phù hợp, thực sự hiệu quả và đến được với NLĐ. Ngoài thay đổi phương pháp điều hành, lãnh đạo theo hướng áp dụng công nghệ để nắm bắt sớm thông tin, triển khai nhanh, kịp thời mọi hoạt động, đội ngũ cán bộ Công đoàn đã lăn xả, bám sát thực tiễn để trên cơ sở đó tham mưu cho Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành các chính sách chăm lo cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn.
Vừa tham mưu, LĐLĐ thành phố vừa phải quyết liệt bảo vệ, đeo bám để các chính sách ấy đến được với NLĐ sớm nhất. Các Công đoàn cấp trên cơ sở cũng đã linh hoạt xây dựng những mô hình hoạt động hay, mới mẻ, phù hợp với điều kiện của các DN và đáp ứng nguyện vọng của số đông đoàn viên. Với những nỗ lực ấy, đến nay, hầu hết các nhóm chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn TP HCM đề ra đều đạt và vượt.
* Từ những thành quả đạt được trong 5 năm qua, bà tâm đắc điều gì?
- Bối cảnh khốc liệt do dịch bệnh đã cho thấy khả năng ứng phó nhanh của tổ chức Công đoàn thành phố và đó là điều rất đáng tự hào. Trong thời gian ngắn, vô số hoạt động mới đã hình thành, từ việc Công đoàn cơ sở đã thành lập từ sớm các "Tổ an toàn COVID-19" để xây dựng phương án hỗ trợ khẩn cấp công nhân, hay các phong trào "Xây dựng vùng xanh, an toàn sản xuất, an toàn phòng dịch", "Mỗi đoàn viên Công đoàn là một tình nguyện viên - Mỗi Công đoàn cơ sở một chương trình tình nguyện"...
Các cấp Công đoàn thành phố đã khẳng định mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm trong công tác an sinh xã hội. Toàn bộ nguồn lực từ con người, tài chính và cơ sở vật chất của tổ chức Công đoàn thành phố được huy động để ứng phó với diễn biến tình hình, tập trung vào công tác tham gia chống dịch. Kết quả, các cấp Công đoàn đã chăm lo cho 1,3 triệu đoàn viên - lao động với tổng kinh phí trên 692 tỉ đồng.
Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TP HCM - thăm hỏi, động viên công nhân về quê đón Tết trong chương trình “Tấm vé nghĩa tình” Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đặc biệt, chương trình "Phúc lợi đoàn viên" được đổi mới, đầu tư, nâng chất đã đem đến nhiều lợi ích cho đoàn viên. Có thể khẳng định công tác chăm lo cho đoàn viên - lao động trong thời gian qua đã góp phần xây dựng hình ảnh của tổ chức Công đoàn thân thương, gần gũi với CNVC-LĐ, nhận được sự đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng DN và xã hội.
* Đại hội XII Công đoàn TP HCM diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Tổ chức Công đoàn thành phố sẽ có giải pháp gì để đáp ứng ngày càng cao đòi hỏi của đoàn viên - lao động?
- Đại hội XII Công đoàn TP HCM nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra trong bối cảnh đoàn viên, NLĐ thành phố đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI. Đây cũng là giai đoạn tổ chức Công đoàn sẽ chịu nhiều tác động của quá trình hội nhập quốc tế. Do vậy, đổi mới toàn diện, triệt để để phù hợp với tình hình mới là yêu cầu bức thiết của Công đoàn trong giai đoạn hiện nay.
Nhiệm vụ xuyên suốt và cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, LĐLĐ TP HCM tập trung triển khai 3 khâu đột phá theo định hướng của Tổng LĐLĐ Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028 gồm: tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, NLĐ, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc; xây dựng đội ngũ chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch Công đoàn tại DN khu vực ngoài nhà nước và chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động Công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính.
Đồng thời, LĐLĐ TP HCM cũng triển khai thực hiện 3 chương trình trọng tâm của Công đoàn thành phố gồm: Nâng cao năng lực đại diện, hiệu quả thương lượng tập thể, đối thoại tại nơi làm việc, thực hành dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở, đổi mới công tác vận động, tập hợp NLĐ vào tổ chức Công đoàn Việt Nam và đẩy mạnh hoạt động trợ vốn, tín dụng cá nhân, tích cực tham gia phòng chống tín dụng đen trong công nhân - lao động. Với những chương trình hoạt động có chiều sâu cùng các giải pháp cụ thể, tôi tin tưởng Công đoàn thành phố sẽ thực hiện tốt chức năng, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất của công nhân - lao động.
Phải tạo sức hấp dẫn
Việc thành lập các tổ chức đại diện NLĐ đã được luật hóa trong Bộ Luật Lao động 2019 và đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, đây là thách thức lớn và cũng đặt ra nhiều trách nhiệm cho tổ chức Công đoàn trong giai đoạn tới. Do vậy, việc nâng chất, củng cố hoạt động của cơ sở để thu hút, tăng số lượng đoàn viên là rất cần thiết.
"Điều quan trọng nhất với tổ chức Công đoàn hiện nay là phải quyết liệt đổi mới về mọi mặt, tạo sức hấp dẫn để thu hút đoàn viên. Mặt khác, cần đóng góp tích cực trong xây dựng thể chế, chính sách của nhà nước liên quan đến NLĐ, phải bám sát, tập hợp được nguyện vọng của NLĐ và thể hiện ý chí của NLĐ tại nghị trường Quốc hội, các kỳ họp Chính phủ, HĐND thành phố. Là thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia và trực tiếp tham gia vào lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu vùng, Công đoàn phải quyết liệt và giữ vững quan điểm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên - lao động, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất của NLĐ" - bà Trần Thị Diệu Thúy bày tỏ.
Bình luận (0)