Dù chứng minh được lỗi vi phạm của người lao động (NLĐ) trong quá trình làm việc dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp (DN) nhưng mới đây, Công ty CP Thương mại N.T (quận 7, TP HCM) lại bị tòa tuyên buộc phải bồi thường cho ông V.Q.T, quản lý bán hàng khu vực, hơn 100 triệu đồng. Lý do là vì công ty đã vi phạm quy định pháp luật khi sa thải NLĐ.
Quýt làm, cam chịu
Ông T. ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty từ tháng 2-2017, với chức danh quản lý bán hàng khu vực miền Tây, địa điểm làm việc tại TP Cần Thơ. Đến ngày 31-8-2019, công ty đột ngột ra quyết định sa thải ông với lý do vi phạm nội quy, giao hàng xuống đại lý sai quy trình gây hậu quả nghiêm trọng. Điều đáng nói là cuộc họp xử lý kỷ luật không có sự tham gia của ông T. Các điều luật căn cứ ra quyết định sa thải là áp dụng theo Bộ Luật Lao động năm 2002 và các văn bản hướng dẫn của bộ luật này, đồng thời quyết định sa thải không có con dấu xác nhận của công ty. "Tôi thừa nhận có mắc một số sai phạm trong công việc và cố gắng liên hệ khách hàng để khắc phục hậu quả. Thế nhưng, việc công ty tự ý sa thải mà không thông báo, cũng không tạo điều kiện để tôi trình bày ý kiến là vi phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của tôi" - ông T. nói.
Phóng viên Báo Người Lao Động (bìa trái) làm việc với đại diện doanh nghiệp để giải quyết khiếu nại của người lao động
Lý giải về quyết định sa thải NLĐ, đại diện công ty cho biết trong thời gian làm việc, ông T. đã nhiều lần vi phạm nội quy công ty, mạo danh đại lý để nhận hàng rồi bán ra thị trường thu lợi riêng nên đã từng bị xử lý kỷ luật lao động hình thức cảnh cáo. Tuy nhiên, sau đó ông tiếp tục tái phạm, thực hiện quy trình bán hàng, giao hàng không đúng quy định, thiếu hóa đơn chứng từ dẫn đến khoản nợ khó thu hồi hơn 209 triệu đồng. Vì lẽ đó, công ty quyết định chuyển ông T. về làm việc tại trụ sở chính ở quận 7, TP HCM để tiện giám sát nhưng ông không chấp hành và tự ý bỏ việc từ ngày 26-7-2019. Sau đó, công ty đã nhiều lần liên lạc yêu cầu ông T. chấp hành lệnh điều động nhưng không liên hệ được.
Căn cứ vào các sai phạm trên, ngày 31-8-2019, hội đồng xử lý kỷ luật lao động công ty đã họp và thống nhất xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải đối với ông T. Trước khi họp xử lý kỷ luật lao động, công ty cũng 3 lần gửi thư mời cho ông theo địa chỉ ghi trong hồ sơ xin việc nhưng không nhận được phản hồi. "Thời điểm họp xử lý kỷ luật, ông T. đã tự ý đơn phương chấm dứt HĐLĐ với công ty. Việc ra quyết định sa thải của công ty chỉ nhằm mục đích chốt sổ BHXH cho NLĐ. Quyết định sa thải chỉ lưu hành nội bộ, chưa đóng dấu cũng chưa gửi hay thông báo cho NLĐ nên không có giá trị. Vì thế, không có cơ sở để nói công ty sa thải NLĐ trái quy định pháp luật" - đại diện công ty phân tích.
Tuy nhiên, lập luận này của công ty bị tòa bác bỏ. Theo hội đồng xét xử, dù công ty chứng minh được lỗi của NLĐ nhưng không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động. Ngoài ra, các căn cứ pháp luật để ra quyết định xử lý kỷ luật sa thải chưa đúng. Do đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T. và buộc công ty phải bồi thường cho NLĐ các khoản theo quy định vì sa thải trái quy định pháp luật.
Xem thường tiểu tiết
Không thiếu chứng cứ chứng minh lỗi vi phạm của NLĐ nhưng mới đây Công ty TNHH V.K (tỉnh Bình Dương) phải chi hơn hơn 80 triệu đồng để bồi thường.
Ông Nguyễn Minh Thành, trưởng phòng nhân sự công ty, cho biết vào đầu năm 2018, công ty có tuyển dụng ông T.L.V vào làm công nhân tổ ép nóng. Trong quá trình làm việc, ông V. luôn vi phạm nội quy lao động về thời gian làm việc và nghỉ việc không xin phép. Có lần ông V. nghỉ việc 4 ngày liên tục (từ ngày 2 đến 5-3-2019) không thông báo. Mỗi lần ông V. mắc lỗi, công ty đều yêu cầu viết tường trình, lập biên bản vi phạm, đồng thời đã 2 lần xử lý kỷ luật hình thức khiển trách. Tuy nhiên, ông V. không những không sửa sai mà còn có hành vi chống đối quản lý, xúi giục công nhân không tăng ca dẫn đến thiệt hại cho công ty vì giao hàng không kịp tiến độ.
Trước những sai phạm này, ngày 10-5-2019, công ty quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ với lý do ông V. không chấp hành nội quy lao động, không tuân thủ mệnh lệnh cấp trên và nghỉ phép nhiều lần. Cho rằng lý do bị nghỉ việc không chính đáng nên ông V. không chịu ký nhận quyết định và tiếp tục đến công ty gây rối. Ngày 21-5-2019, công ty họp xử lý kỷ luật lao động và ra quyết định sa thải ông V. "Quá trình họp và ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với ông V., công ty đều thực hiện đúng. Tuy nhiên, trong ngày họp xử lý kỷ luật, chủ tịch Công đoàn cơ sở bị bệnh đột xuất nên vắng mặt. Chủ doanh nghiệp nóng lòng muốn giải quyết dứt điểm vụ việc nên vẫn tiến hành buổi họp và sơ suất này là cái cớ để ông V. khởi kiện ra tòa. Thua kiện và phải bồi thường cho NLĐ 82,4 triệu đồng là bài học đắt giá cho công ty trong công tác quản lý nhân sự" - ông Thành bày tỏ.
Hiểu luật để hành xử đúng
Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, trong các vụ án về lao động thì tranh chấp về sa thải và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chiếm đa số. Trên thực tế, bên thắng kiện nhiều hơn trong các vụ án này là NLĐ. Trong các vụ án mà người sử dụng lao động thua kiện, lý do không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật chiếm phần lớn. Nguyên nhân do người sử dụng lao động không am hiểu hoặc xem nhẹ quy định pháp luật, thậm chí nóng vội, chủ quan... "Từ ngày 1-1-2021, Bộ Luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực. Bộ luật này quy định rất rõ quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật lao động nhưng có một số thay đổi so với Bộ Luật Lao động năm 2012. Do đó, DN nên sớm cập nhật, tuân thủ đúng quy trình xử lý kỷ luật để tránh thiệt hại không đáng có" - ông Tín khuyến nghị.
Bình luận (0)