Chiều 16-9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc và đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp (DN), để lắng nghe góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
Nhiều kiến nghị của VCCI bị bác bỏ
Góp ý về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), trong quy định lao động nữ (LĐN) nghỉ 30 phút trong thời gian "đèn đỏ" (hành kinh), VCCI đề nghị bỏ quy định về LĐN trong thời gian "đèn đỏ" được nghỉ mỗi ngày 30 phút hoặc sửa đổi thành LĐN trong độ tuổi còn hành kinh được hỗ trợ bằng tiền do Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ này. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB-XH đã bác bỏ và cho rằng các quy định này đã thực hiện ổn định từ khi có Bộ Luật Lao động đến nay, trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay cần tiếp tục quy định để bảo đảm quyền lợi của người lao động (NLĐ) và bảo đảm mục tiêu bảo vệ thai sản đối với LĐN.
Lao động nữ là đối tượng cần được quan tâm, chăm lo đúng mức Ảnh: KHÁNH AN
VCCI cũng đề nghị bỏ trường hợp LĐN có thai, nghỉ thai sản; NLĐ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi ra khỏi các trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động. Bộ LĐ-TB-XH không đồng ý với kiến nghị này và đề nghị giữ như dự thảo. Theo Bộ LĐ-TB-XH, đây là những quy định tiến bộ về LĐN và NLĐ nói chung trong Bộ Luật Lao động. "Thông qua việc bảo đảm cho NLĐ không bị xử lý kỷ luật lao động trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ nhằm ổn định công việc và ổn định thu nhập cho NLĐ, từ đó bảo vệ cho đứa trẻ của NLĐ có được điều kiện phát triển tốt hơn" - cơ quan soạn thảo cho hay.
Về thời giờ làm thêm, VCCI đề nghị không quy định giới hạn làm thêm giờ trong tháng, trong tuần, chỉ quy định giới hạn giờ làm thêm theo năm. Đề nghị tăng thời giờ làm thêm trong năm tăng từ 200 giờ lên 500 giờ đối với trường hợp bình thường. Tăng từ 300 giờ lên 500 - 600 giờ trong trường hợp đặc biệt. Trả lời về kiến nghị này, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng quy định trần tối đa làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ. Quy định các trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm theo hướng: chỉ rất ít ngành nghề, lĩnh vực sản xuất như gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông - lâm - thủy sản; các trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn. Căn cứ vào tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước được. Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết việc tổ chức làm thêm giờ. "Tuy nhiên, trong quá trình chỉnh lý dự thảo tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến không tăng thời giờ làm thêm" - Bộ LĐ-TB-XH nhấn mạnh.
Không tăng giờ làm thêm và không giảm giờ làm?
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, lo ngại về những tác động của việc không điều chỉnh khung giờ làm thêm tối đa và cho rằng điều này sẽ tác động tới đời sống NLĐ và DN. Theo đó, DN sẽ phải tuyển dụng thêm nhiều lao động nhằm đáp ứng tốc độ sản xuất hàng hóa với thời gian làm việc eo hẹp như hiện nay.
Còn ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cho biết ngành đang thu hút tới 4 triệu lao động, trong đó có 1 triệu lao động sản xuất trực tiếp tại các nhà máy. Ông Nam bày tỏ lo lắng nếu vẫn áp dụng khung giờ làm việc tối đa 300 giờ/năm, để phục vụ đơn hàng theo mùa vụ, DN sẽ vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam. Khách hàng nước ngoài sẽ lập tức dừng tiếp nhận hàng của DN trong nước. Tuy nhiên, đại diện cho cơ quan thẩm tra dự án luật, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - đã thẳng thắn nêu ra quan điểm của mình. Theo ông Lợi, trên cơ sở các kiến nghị qua quá trình lấy ý kiến góp ý, ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung và đến nay "có 8 nội dung có lợi hơn cho NLĐ và 7 nội dung có lợi hơn cho người sử dụng lao động".
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng các DN cũng như VCCI "nói cũng đúng, cũng hay" về các nội dung như giờ làm thêm, giờ làm việc bình thường, tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh Bộ Luật Lao động là luật gốc, liên quan đến nhiều người, lĩnh vực, ngành nghề nên cần thận trọng và đặc biệt "không thể trái với các quy định, công ước quốc tế mà ta đã tham gia". Theo ông Bùi Sỹ Lợi, có 8 nội dung lớn trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa và thời gian làm việc bình thường, ông cho rằng "về mặt cơ bản, dự thảo hiện nay là tiếp thu theo hướng không tăng thời gian làm thêm tối đa và cũng không hạ thời gian làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ". "Chính phủ đang muốn kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ giải quyết vấn đề làm thêm giờ chỉ trong một số ngành nghề, lĩnh vực rất đặc biệt và phải điều chỉnh tiền lương theo lũy tiến. Vấn đề này sẽ do Quốc hội quyết định nhưng quan điểm của ủy ban thẩm tra là không đồng tình với việc tăng thời gian làm thêm. Bên cạnh đó, cũng không thể giảm thời giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần. Xu hướng của các nước hiện nay là tăng lương, giảm giờ làm chứ không phải làm việc với mức thu nhập cao nhưng sức khỏe người lao động lại không được bảo đảm" - ông Lợi cho hay. Về tuổi nghỉ hưu, ông Lợi khẳng định tất cả DN đều hoan nghênh tăng tuổi nghỉ hưu nhưng riêng NLĐ đều không đồng ý nâng tuổi nghỉ hưu.
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Trưởng Ban Soạn thảo dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) - cho biết do tác động của bộ luật sâu rộng, nhiều đối tượng nên khó có thể tìm ra sự thỏa mãn cho tất cả đối tượng. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến để tìm phương án hợp lý nhất. "Quan điểm của ban soạn thảo là bộ luật tạo ra sự ổn định, hài hòa, tiến bộ. Những nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện với mục tiêu bộ luật phải là bộ luật tiến bộ phục vụ NLĐ, vì NLĐ nhưng trước hết phải vì sự phát triển của đất nước, trong đó quan tâm đến doanh nhân, DN" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.
Bình luận (0)