Tấm kim bài miễn… thất nghiệp trọn đời cho các viên chức cả mẫn cán lẫn không mẫn cán cho lắm tại Việt Nam sắp bị bãi bỏ. Từ 1-7-2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực, đồng nghĩa, viên chức sẽ chỉ được ký hợp đồng với thời hạn từ 12 – 60 tháng.
Như vậy, chỉ có 3 nhóm đối tượng được hưởng chế độ "viên chức suốt đời" là cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và những người có hợp đồng không xác định thời hạn trước khi luật có hiệu lực.
Quả thật, đối với rất nhiều người, đây là một bước chuyển tích cực. Khi ràng buộc đối với các viên chức chỉ là từ 1 tới 5 năm, không có nhiều người dám mạo hiểm làm ẩu, làm quấy quá để rồi phải đương đầu với một thị trường lao động cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Vả lại, khó ai chắc được rằng, những mối quan hệ kiểu hậu duệ - tiền tệ không tồn tại trong tất cả các tuyển dụng này. Không ai muốn đồng tiền đi trước nhưng lại không đủ thời gian để quay về cho đủ.
Mặt khác, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 1-7-2017, cả nước có hơn 3,8 triệu cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương, trong đó, số lượng công chức khoảng 1 triệu lao động, số lượng viên chức là 2,5 triệu lao động (số còn lại là những người hưởng lương từ ngân sách). Có thể thấy, một trong những nút thắt tinh giản biên chế đang nằm ở nhóm lao động này. Nếu việc xóa bỏ chế độ hợp đồng không thời hạn với viên chức được áp dụng từ nửa cuối năm sau và đồng thời với đó là làm nghiêm việc đánh giá chất lượng công việc, có thể tin, số lượng viên chức sẽ không phình ra như chiếc bánh bị bỏ bột nở quá tay.
Sự lạc quan còn được đẩy tới mức, người ta vẽ ra một viễn cảnh tương tự, bỏ cả chế độ ‘công chức suốt đời’. Không chỉ là câu chuyện giảm áp lực cho ngân sách vốn chưa hề rủng rỉnh, hàng năm vẫn phải vay để bù đắp khoản chi thường xuyên, sức ép nói trên sẽ giúp cho các công chức nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao, từ đó, bộ máy hành chính vận hành trơn tru, hỗ trợ tốt hơn cho người dân và nền kinh tế. Giấc mơ hùng cường được gia cố thêm bằng một viên gạch nung già.
Dẫu vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, những tiếng nói kém lạc quan cũng nên được lắng nghe, công bằng như khi đôi tai đón nhận mọi tin vui. Trong trường hợp này, nỗi lo lắng lại có phần hữu lý.
Thứ nhất, nhìn vào ba nhóm đối tượng viên chức sẽ được hưởng chế độ hợp đồng không thời hạn, ngoài nhóm phục vụ cho các địa phương đặc biệt, hai nhóm còn lại được bảo hộ theo các quy định cũ.
Đầu tiên là nhóm công chức chuyển sang viên chức. Ưu điểm của chính sách là quyền lợi của các lao động thuyên chuyển công tác được đảm bảo ở mức cũ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các công chức có chất lượng, trình độ cao, chuyển sang ngạch viên chức với mục đích bổ sung, tăng cường sức mạnh và hiệu quả làm việc của bộ phận mới này.
Thế nhưng, phải tính đến cả trường hợp ngược lại, khi những công chức đó không hoàn thành nhiệm vụ nhiều năm và có khả năng bị tinh giản. Việc chuyển đổi công tác trong hoàn cảnh này có thể ví như phát cho một thiểu số công chức nói trên một tấm vé hưởng lương trọn đời khác. Hạn chế này được khắc phục bằng những quy định rõ ràng về việc chuyển đổi từ ngạch công chức sang viên chức và việc thực hiện nghiêm, trừng phạt nghiêm minh những trường hợp cố tình làm sai. Tiếc là, chúng ta vẫn chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu thực hiện quyết tâm này.
Về nhóm viên chức đã ký hợp đồng không xác định thời hạn trước thời điểm 1/7/2020, ràng buộc pháp lý này sẽ bảo hộ cho họ suốt đời, trừ những trường hợp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liền hoặc bị buộc thôi việc do vi phạm kỷ luật. Dễ đoán, con số chắc chắn không phải là nhiều nhặn, và vì thế, kỳ vọng làm giảm bớt con số 2,5 triệu viên chức suốt đời chủ yếu chỉ trông chờ vào việc… nghỉ hưu.
Sơ đồ hóa bộ máy hành chính sẽ giúp loại bỏ ‘công chức cắp ô’
Thứ hai, khi các công chức chuyển ngạch viên chức vẫn được bảo vệ bằng hợp đồng không thời hạn, không nhìn thấy tín hiệu về một quyết sách tác động tới khu vực công chức. Thậm chí, một vị lãnh đạo cấp vụ của Bộ Nội vụ đã trả lời thẳng, khi thực hiện quyền lực nhà nước, phải có một sự ổn định, từ đó đảm bảo cho nền hành chính ổn định.
Lời đáp khó làm thỏa mãn những người quan tâm được bổ sung bằng biện pháp đánh giá hiệu quả làm việc, từ đó loại bỏ những công chức kém, không hoàn thành nhiệm vụ. Vậy là lại rơi vào vòng luẩn quẩn khiến việc tinh giản biên chế lâu nay vẫn duy trì tốc độ con rùa.
Tất nhiên, không phải mọi cánh cửa đều khép lại. Giải pháp có thể hóa giải mọi lấn cấn, nể nang đã được chính vị lãnh đạo đưa ra, đó là phải xác định vị trí việc làm, sắp xếp, tổ chức bộ máy trên cơ sở này. Vấn đề còn lại là chúng ta sẽ thực hiện như thế nào.
Thực chất, đây là bài toán sơ đồ hóa bộ máy hành chính. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là chúng ta cần xây dựng bộ máy hành chính bao gồm những vị trí nào và mỗi vị trí có vai trò và nhiệm vụ như thế nào để quản lý xã hội và vận hành nền kinh tế? Từ đó, xác định những nhân sự ứng với bộ máy đó là những ai, cần đáp ứng những tiêu chuẩn nào?
Khi hoàn thiện, sơ đồ này sẽ được áp thẳng vào bộ máy hành chính hiện hành. Về vị trí công việc, chỗ nào thiếu thì bổ sung, chỗ nào thừa thì cắt đi. Về nhân sự, những nhân sự nào phù hợp thì giữ lại, không phù hợp thì cho nghỉ và nếu thiếu thì tuyển bổ sung theo các yêu cầu đã định sẵn. Rõ ràng, đây không thể coi là một thách đố, và có lẽ cũng không cần 10-20 năm để hoàn thành việc này như một vị lãnh đạo nọ đã tiên liệu.
Tiếp cận theo hướng này, khúc mắc nằm ở hai chữ quyết tâm sắt đá. Bởi lẽ, khách quan mà nói sự chần chừ, nếu có, cũng có thể vì lý do hoàn toàn trong sáng. Khi tinh giản biên chế, một mặt, các vị lãnh đạo phải động chạm tới quyền lợi của đông đảo thuộc cấp, những người đã gắn bó với cơ quan với lãnh đạo bằng mối liên hệ vật chất và tinh thần. Tay phải nào nỡ làm đau tay trái, dù chỉ bằng một cái tát nhẹ.
Mặt khác, như người Việt vẫn nói, một trăm cái lý không bằng một tí cái tình. Cái tình lớn lao trong đội ngũ công chức đã và đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều năm nay chúng ta đều phải vay để bù cho chi thường xuyên, nhưng dù sao, nợ công cũng là câu chuyện chung của gần 100 triệu người dân Việt.
Bình luận (0)