Sau khi được tuyển dụng, viên chức được ký hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, liệu đang là viên chức có được ký thêm hợp đồng lao động với công ty khác không?
Theo chế độ hợp đồng làm việc
Viên chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm trong đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị này (căn cứ Điều 2 Luật Viên chức năm 2010).
Viên chức được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm trong đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc
Theo đó, khi được tuyển dụng, viên chức ký hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập để thỏa thuận về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Viên chức thực hiện 2 loại hợp đồng làm việc theo khoản 2, Điều 2 Luật sửa đổi 2019:
- Hợp đồng không xác định thời hạn: Là hợp đồng mà hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực, áp dụng với người được tuyển dụng trước 1-7-2020; cán bộ, công chức chuyển sang viên chức; viên chức được tuyển dụng làm việc tại vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn;
- Hợp đồng xác định thời hạn: Là hợp đồng hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực trong thời gian từ đủ 12 - 60 tháng, áp dụng với người được tuyển dụng vào viên chức kể từ ngày 1-7-2020.
Như vậy, khác với người lao động, viên chức không ký hợp đồng lao động khi làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập mà thực hiện theo chế độ hợp đồng làm việc.
Chỉ được làm ngoài thời gian làm việc
Theo quy định tại Điều 14 Luật Viên chức năm 2010, về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định, viên chức có quyền:
- Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Viên chức có thể ký hợp đồng lao động với công ty khác để làm ngoài, nhưng phải tuân thủ theo quy định của pghap1 luật
Đồng thời, Điều 19 Luật Viên chức quy định những việc viên chức không được làm không hạn chế quyền được ký kết hợp đồng lao động để làm thêm với các doanh nghiệp khác.
Có thể thấy, viên chức hoàn toàn có thể ký hợp đồng lao động với công ty khác để làm ngoài bên cạnh việc làm việc theo hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, viên chức phải lưu ý chỉ được làm ngoài thời gian làm việc nêu trong hợp đồng làm việc, phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp và nội dung công việc không vi phạm điều cấm của luật.
Đặc biệt, nếu là viên chức có chức vụ, quyền hạn thì còn phải đáp ứng các quy tắc ứng xử nêu tại Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018. Khi đó, viên chức không được làm những việc sau nhằm đảm bảo liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ:
- Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
- Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định;
- Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác…
Trên đây là quy định về việc viên chức có được ký hợp đồng lao động với công ty bên cạnh hợp đồng làm việc ký với đơn vị sự nghiệp công lập.
Bình luận (0)