Ý kiến nêu trên đã phản ảnh thực tế đang xảy ra ở nhiều DN khi quan hệ giữa cán bộ CĐ với chủ sử dụng lao động vẫn còn theo kiểu xin - cho. Nguồn đoàn phí và kinh phí thấp khiến CĐ cơ sở muốn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên CĐ phải "cậy nhờ" thiện chí của chủ DN.
"CĐ lo cho công nhân (CN), cũng là nguồn vốn quý của DN, vậy tại sao còn phải xin? Đừng nói đến nâng cao vị thế mà làm sao cho DN tôn trọng CĐ, đặt CĐ lên ngang hàng để cư xử là vấn đề mà mỗi cán bộ CĐ cần suy nghĩ. Chỉ khi ở vị trí ngang hàng, tiếng nói của CĐ mới đủ trọng lượng để quyết những vấn đề quan trọng" - vị cán bộ CĐ nêu trên nhìn nhận.
Vấn đề mà ông đặt ra không mới song vẫn chưa có lời giải. Luật đã quy định rõ cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ. Tuy nhiên, ngoài việc là đại diện của người lao động, cán bộ CĐ cũng là người làm công ăn lương của DN. Điều đó khiến cán bộ CĐ khó có vị thế tại DN. Vậy làm thế nào để DN tôn trọng CĐ? Theo ông H., chủ tịch CĐ một công ty tại Khu Công nghệ cao TP HCM, cần phải tách bạch công việc chuyên môn và trách nhiệm trong hoạt động CĐ. Trong công việc, đã là người lao động thì phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Còn đối với hoạt động CĐ, muốn chủ DN nhìn nhận, cán bộ CĐ phải có bản lĩnh.
Ông H. cho biết ở công ty nơi mình làm việc, khi có bất đồng giữa tập thể CN và DN, CĐ đều yêu cầu thương lượng. Không phải lần nào cũng thành công nhưng thương lượng là bước không thể bỏ qua vì nếu bỏ qua, sau này DN sẽ không cần hỏi ý kiến CĐ nữa. Ông H. đưa ra ví dụ về điều chỉnh lương tối thiểu. Trong năm DN làm ăn tốt nhưng không phải đơn vị nào trong tập đoàn cũng có lợi nhuận. Để tránh CN các đơn vị so bì, tập đoàn yêu cầu điều chỉnh lương cào bằng, chỉ cao hơn lương tối thiểu 50.000 đồng. Không đồng tình, ông H. và CĐ công ty lấy ý kiến CN và tiến hành thương lượng. Sau 13 cuộc thương lượng, cuối cùng, DN chấp nhận ngoài tăng lương sẽ tăng thêm 200.000 đồng vào phụ cấp lương cho toàn bộ CN. Đó không phải là kết quả tốt nhất nhưng toàn bộ CN đều thỏa mãn.
"Thương lượng tập thể là vũ khí quan trọng của CĐ. Tuy nhiên, nhiều cán bộ CĐ chưa mạnh dạn sử dụng, điều này khiến họ yếu thế khi đàm phán. Muốn DN coi trọng, bản thân cán bộ CĐ phải có bản lĩnh khi thể hiện chính kiến" - ông H. bày tỏ.
Bình luận (0)