Xu thế hội nhập nói chung không chỉ đòi hỏi trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật mà còn ở kỹ năng giải quyết các vấn đề phát sinh trong việc thực thi vai trò đại diện của cán bộ Công đoàn (CĐ). Tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở cọ xát, rèn giũa kinh nghiệm là mục tiêu mà hội thi cán bộ CĐ cơ sở giỏi hướng đến.
Thấu tình, đạt lý
Hội thi cán bộ CĐ cơ sở do LĐLĐ quận Thủ Đức, TP HCM tổ chức mới đây không nằm ngoài mục tiêu tạo sân chơi lành mạnh, thiết thực để cán bộ CĐ rèn nghề.
Với 2 phần thi trắc nghiệm kiến thức và xử lý tình huống, 18 cán bộ CĐ cơ sở được chọn vào chung kết đã thể hiện được kiến thức, nhất là khả ứng xử kéo léo trong quá trình tiếp xúc đoàn viên.
Tình huống do ban tổ chức đặt ra: Người lao động (NLĐ) ký hợp đồng lao động 6 tháng, chưa đóng BHXH nhưng muốn tham gia CĐ, là cán bộ CĐ cơ sở, anh (chị) phải làm gì? Trước câu hỏi này, thay vì giải thích cho NLĐ hiểu rõ điều kiện gia nhập CĐ, chị Nguyễn Ngọc Hạnh, Chủ tịch CĐ phường Linh Xuân, lại hỏi thăm đời sống, việc làm của họ. Cách tiếp cận khôn khéo trong phần xử lý tình huống của chị Hạnh được ban giám khảo đánh giá cao bởi điều này giúp người cán bộ CĐ tạo được thiện cảm với NLĐ, từ đó việc thuyết phục thuận lợi hơn.
Khôn khéo không kém là phần ứng xử của chị Nguyễn Thảo Ngọc, Chủ tịch CĐ Phòng Tài chính Kế hoạch quận Thủ Đức, khi đứng trước tình huống khó: Có một đoàn viên đề nghị miễn giảm đoàn phí với lý do là thương binh. Giải quyết tình huống này, chị Ngọc cho biết sẽ giải thích rõ cho NLĐ hiểu việc đóng đoàn phí là trách nhiệm của đoàn viên. Chị còn viện dẫn hàng loạt quy định về trường hợp không phải đóng đoàn phí như: không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng… để NLĐ nắm vững. Kiến thức nền vững cùng cách trình bày cặn kẽ của chị đã nhận được tràng pháo tay tán thưởng của các thí sinh khác.
Hiểu luật để bảo vệ người lao động
Hội thi tìm hiểu pháp luật năm 2016 do Trường Trung cấp CĐ TP HCM và CĐ Tổng Công ty Liksin tổ chức mới đây cũng là sân chơi bổ ích dành cho 55 thí sinh là cán bộ CĐ từ tổ trưởng trở lên. Trong các phần thi, xử lý tình huống được nhiều thí sinh mong đợi nhất.
Ban giám khảo đặt ra tình huống: Công ty Z cần tuyển thợ may bậc 3/7 nhưng việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, chưa kể công nhân (CN) thường xuyên bỏ việc. Giải pháp tình thế mà công ty đưa ra là giữ bản chính giấy tờ tùy thân của CN, chẳng hạn chứng minh nhân dân. Công ty làm như thế là đúng hay sai? Trước tình huống này, anh Bùi Thanh Nghị, Xí nghiệp (XN) Bao bì An Khang, cho biết theo quy định của pháp luật lao động, người sử dụng lao động không được phép giữ bản chính chứng minh nhân dân, văn bằng, chứng chỉ hoặc yêu cầu NLĐ bảo đảm bằng tiền hay tài sản khác. Do vậy, trong trường hợp này, Công ty Z đã làm sai luật. Phần trả lời tình huống của anh Nghị được ban giám khảo đánh giá cao.
Anh Huỳnh Thanh Vũ, XN Bao bì Liksin, được ban giám khảo đặt tình huống: Công ty TNHH Y quy định thời gian làm việc 8 giờ/ngày, mỗi tuần làm 6 ngày nhưng công ty có nhu cầu tăng ca vào chủ nhật 8 giờ. Công ty tính tăng ca ngày chủ nhật bằng tiền lương giờ làm việc thực tế x 200% x 8 giờ. Cách tính tiền lương làm thêm của công ty đúng hay sai?
Anh Vũ cho biết theo điểm b, khoản 1, điều 97 Bộ Luật Lao động 2012: làm thêm ngày thường 150% x giờ thực tế, ngày chủ nhật 200% x giờ thực tế, ngày lễ 300% x giờ thực tế. Như vậy, cách tính lương làm thêm ngày chủ nhật của Công ty Y là đúng.
“Là tổ trưởng CĐ nên tôi thường xuyên nhận được nhiều thắc mắc về chế độ, chính sách của đoàn viên. Những vấn đề đã nắm vững, tôi có thể trả lời ngay cho đoàn viên. Vấn đề nào còn lơ mơ, tôi nhờ chủ tịch CĐ hoặc CĐ cấp trên tư vấn. Hội thi như thế này giúp tôi củng cố kiến thức pháp luật và tự tin hơn khi thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ” - anh Vũ bày tỏ.
Ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật - LĐLĐ TP HCM:
Thiết thực, bổ ích
Cán bộ CĐ cơ sở giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động CĐ, là những người gần gũi, gắn bó với đoàn viên nhất. Vì thế, cán bộ CĐ cơ sở không chỉ nhiệt huyết mà còn phải hiểu biết về kiến thức pháp luật, đặc biệt là năng lực xử lý các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động tại đơn vị.
Hội tụ đủ những yếu tố trên, cán bộ CĐ cơ sở sẽ làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho NLĐ. Các hội thi do CĐ cấp trên tổ chức sẽ giúp cán bộ CĐ có thêm kiến thức và giải quyết tốt các tình huống phát sinh trong quan hệ lao động.
Bình luận (0)