Hôm nay (23-9), Đại hội Công đoàn TP HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra phiên làm việc thứ hai. Phóng viên Báo Người Lao Động đã ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu.
Bà Huỳnh Thị Phương Nam, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Bến Thành:
Bảo đảm việc làm, cải thiện phúc lợi cho người lao động
Bà Huỳnh Thị Phương Nam, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Bến Thành
Trước thềm Đại hội Công đoàn TP HCM lần thứ XII, tôi kỳ vọng và rất tin tưởng trong nhiệm kỳ tới, Công đoàn TP sẽ có nhiều chương trình thiết thực vừa phù hợp với xu thế phát triển của TP là văn minh, hiện đại, nghĩa tình vừa phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đoàn viên - lao động.
Trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng, thiếu việc làm, đời sống người lao động (NLĐ) khó khăn. Vì thế, trong nhiệm kỳ mới, tôi mong muốn tổ chức Công đoàn có nhiều đề xuất, giải pháp để bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, phúc lợi cho đoàn viên - lao động.
Bên cạnh đó, Công đoàn TP cũng cần quan tâm hỗ trợ cán bộ Công đoàn trong các ngành nghề, khu vực ngoài quốc doanh để xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, kỹ năng và xây dựng quan hệ lao động hài hòa giữa NLĐ và người sử dụng lao động. Trong đó, Công đoàn TP cần tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để chia sẻ kinh nghiệm, những bài học hay tại các Công đoàn cơ sở làm tốt để những Công đoàn cơ sở khác học hỏi, làm theo. Hoạt động Công đoàn tại cơ sở rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp, thiết thực đến đoàn viên. Hoạt động này không chỉ giúp công nhân (CN) lao động được bảo đảm về quyền lợi mà còn góp phần giúp DN nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Jabil Việt Nam:
Hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người lao động
Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Jabil Việt Nam
Tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên - lao động, trọng tâm là tiền lương, thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc là những chủ đề nóng theo từng ngày của NLĐ và hoạt động Công đoàn tại các DN ngoài quốc doanh. Với vai trò là người đứng đầu Công đoàn cơ sở, Chủ tịch Công đoàn phải biết khôn khéo nắm bắt để lựa chọn thời điểm thích hợp thương lượng. Ở giai đoạn DN khó khăn, không có đơn hàng, việc giảm các chế độ là điều bắt buộc nếu DN muốn tồn tại. Đây là khó khăn chung của cả chủ DN và NLĐ, không phải chỉ có NLĐ. Vì thế, những lúc như thế này, NLĐ và chủ DN cần có sự thương lượng để đôi bên cùng có lợi, vì lợi ích chung.
Để thương lượng có hiệu quả, bộ phận nhân sự và quan hệ lao động của DN cần phải phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn để lắng nghe nguyện vọng và mong muốn của NLĐ. Đồng thời, khi thương lượng, các bên cần được lấy ý kiến, lắng nghe để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, khó khăn từ DN. Từ đó, bộ phận xây dựng thỏa ước lao động tập thể làm việc với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở nhằm tìm ra giải pháp dung hòa cho cả hai. Giải pháp có thể không thể làm hài lòng cả hai nhưng phải ít nhất có được các chế độ cơ bản để cả NLĐ và DN "sống được" ở thời điểm khó khăn.
Ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận; quận 7, TP HCM):
Củng cố niềm tin nơi người lao động
Ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam
Nhiệm kỳ 2018 - 2023, tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung, Công đoàn TP HCM nói riêng đã đầu tư nhiều chương trình chăm lo thiết thực, ý nghĩa dành cho CN lao động với nguồn kinh phí hàng trăm tỉ đồng. Tiêu biểu như chương trình hỗ trợ CN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; CN bị mất việc, giảm giờ làm; chương trình phúc lợi đoàn viên… Những chương trình đó đã giúp rất nhiều NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn, vững tin vào tổ chức đại diện duy nhất của mình.
Là một trong 549 đại biểu được triệu tập tham dự Đại hội XII Công đoàn TP HCM, tôi rất vinh dự. Tôi rất kỳ vọng nhiệm kỳ này, Công đoàn TP sẽ tiếp tục phát huy được sở trường, thế mạnh của mình để tạo ra những chương trình hay, có chiều sâu và có tác động lớn đến số đông CN lao động, giúp họ cải thiện cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Chẳng hạn như trong các hoạt động hỗ trợ CN bị mất việc, giảm giờ làm, Công đoàn có thể phối hợp với các đơn vị để hướng nghiệp, đào tạo nghề cho số CN bị mất việc, giúp họ sớm có cơ hội quay lại thị trường lao động. Hay các chương trình phúc lợi nên được mở rộng và tổ chức thường xuyên và định kỳ hơn tại các đơn vị khó khăn để NLĐ được thụ hưởng nhiều hơn. Đó cũng là cách hiệu quả để củng cố niềm tin và thu hút NLĐ vào Công đoàn.
Ông Lê Anh Tuấn, CN Công ty CP Seedcom Fashion Group (huyện Bình Chánh, TP HCM):
Hỗ trợ công nhân nâng cao trình độ
Ông Lê Anh Tuấn, CN Công ty CP Seedcom Fashion Group
Công ty CP Seedcom Fashion Group là DN theo mô hình sản xuất nên môi trường làm việc đa dạng, vì vậy, đòi hỏi tập thể NLĐ không chỉ có tính chủ động cao, tinh thần trách nhiệm trong công việc mà còn phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ.
Song, đối với CN lao động, gánh nặng mưu sinh được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, việc tự bỏ tiền túi học tập nâng cao trình độ để cho ra đời các sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh tại DN tốt hơn là rất khó khăn. Tôi kỳ vọng trong thời gian tới, người sử dụng lao động sẽ chung tay cùng tổ chức Công đoàn tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ kinh phí cho NLĐ học tập, nâng cao trình độ, góp phần tăng năng suất lao động cho DN. Về phía tổ chức Công đoàn, cần thường xuyên phối hợp với người sử dụng lao động, liên kết với các trường nghề tổ chức các hội thi tay nghề, chương trình bồi dưỡng, đào tạo lại tay nghề dài hạn lẫn ngắn hạn cho NLĐ, nhất là CN bị mất việc, giảm giờ làm từ đó tạo cơ hội việc làm bền vững cho đoàn viên - lao động.
Bình luận (0)