"Bất cứ người lao động nào đi làm cũng muốn biết công sức mình đóng góp vào đâu. Vì thế, lãnh đạo công ty phải thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ định hướng của doanh nghiệp (DN) cũng như những khó khăn, thách thức đang gặp phải. Đừng để nửa năm hoặc một năm mới gặp nhân viên một lần vì sẽ khiến họ nhàm chán, mất hứng thú làm việc". Bà Văn Thị Anh Thư, Phó Chủ tịch nhân sự cao cấp Suntory PepsiCo Việt Nam, nêu như vậy tại hội thảo "Đẩy mạnh phát triển DN bền vững nhờ nguồn nhân lực hạnh phúc" do Công ty CP Anphabe tổ chức mới đây tại TP HCM.
Mưa dầm thấm lâu
Theo bà Anh Thư, bất cứ nhân viên nào đi làm cũng muốn gắn kết với đồng nghiệp, với DN. Vì thế, lãnh đạo phải chia sẻ với họ để tạo sự tin tưởng, gắn bó nhiều hơn.
"Chia sẻ thành tựu thì rất dễ nhưng chia sẻ sự thất bại lại rất khó. Vì thế, cái gì không thật sự xuất phát từ cái tâm sẽ không đến được trái tim. DN phải sử dụng những chính sách quan tâm thiết thực đến nhân viên như bảo hiểm sức khỏe, thêm ngày phép cho nhân viên nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi… Tôi tin chắc là "mưa dầm thấm lâu". Khi nhân viên thấy được sự quan tâm này, họ sẽ gắn bó, hết lòng với DN" - bà Anh Thư bày tỏ.
Các hoạt động tập thể giúp nhân viên gắn kết với nhau hơn
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Quý Đôn, Giám đốc nhân sự cao cấp Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, cho biết để nhân viên cảm thấy DN là gia đình của họ thì vai trò của ban giám đốc vô cùng quan trọng. Khi nhân viên yêu cầu tăng lương, tăng phúc lợi, lãnh đạo DN phải cân nhắc và trả lời ngay điều có thể đáp ứng được và không đáp ứng được. Không nên có sự "câu giờ" hoặc trả lời sau, chờ khảo sát vì khi nhân viên biết, họ sẽ đánh giá lãnh đạo không giữ lời hứa. Ngược lại, khi DN có những chính sách mới không phù hợp với văn hóa người Việt, lãnh đạo phải đấu tranh quyết liệt để không phải áp dụng vì nếu thực hiện chắc chắn không có hiệu quả.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, nhìn nhận: "Cuộc sống ngày nay thay đổi nhanh, vì thế lãnh đạo DN cũng phải thay đổi. Trước đây, lãnh đạo ra mệnh lệnh và nhân viên thực hiện nhưng trong thế kỷ XXI, cách làm này không thể tồn tại được. Lãnh đạo DN hãy mạnh dạn trao quyền cho nhân viên nhiều hơn và trao đổi nhiều hơn, tạo điều kiện cho họ tin tưởng vào bản thân. Hằng ngày, tôi vẫn học kiến thức từ nhân viên của mình bằng các cuộc trao đổi, tiếp xúc. Mỗi ngày, tôi trao đổi cùng 3-5 người là có 3-5 cơ hội tương tác, hiểu nhau hơn. Unilever có 1.700 lao động, nghĩa là tôi có 1.700 cơ hội để tiếp xúc".
Quan tâm cả người thân của nhân viên
Theo các CEO, người lãnh đạo giỏi không chỉ quan tâm đến nhân viên mà còn đến người nhà của họ. PepsiCo thường tổ chức các chuyến tham quan, đi chơi xa và mời người nhà của nhân viên đi cùng. Đây là cơ hội gắn kết nhân viên với nhau, gắn kết người nhà nhân viên với DN.
Theo bà Phan Nam Trân, Giám đốc nhân sự Nashtech Việt Nam, vào các "Ngày của cha", "Ngày của mẹ", công ty gửi thư cảm ơn về tận quê cho cha mẹ của nhân viên. "Hằng năm, chúng tôi đều yêu cầu tất cả nhân viên cập nhật địa chỉ, nơi ở mới của cha mẹ họ (nếu có thay đổi) và làm thư cảm ơn gửi đến từng người. Việc làm này không tốn kém nhưng đã chạm đến trái tim của nhân viên cũng như cha mẹ họ" - bà Trân nhớ lại.
Hằng năm, Unilever cũng đều tổ chức "Ngày tri ân nhân viên", cam kết tạo môi trường cho họ hoàn thành nhiệm vụ, có mức thu nhập tốt. Trong "Ngày tri ân nhân viên" gần đây, một chàng trai tên Tuấn, thành viên một nhóm nhạc của công ty, bày tỏ: "Mình không muốn tham gia biểu diễn nhưng một người bạn cũ không còn làm việc ở Unilever nói rằng rất nhớ và muốn sống lại không khí của ngày tri ân. Vì thế, mình phải đăng ký tham gia để bạn được đứng trên sân khấu biểu diễn, được sống lại không khí những ngày còn ở Unilever".
"Dù nhân viên có đi đâu, làm gì, họ vẫn nhớ về Unilever như một điểm son trong sự nghiệp. Tôi cam kết Unilever xây dựng để đào tạo người tài và tạo mọi điều kiện cho họ phát triển khi có môi trường tốt hơn" - bà Vân khẳng định.
Bình luận (0)