Đại dịch Covid-19 khiến nhiều thứ thay đổi, trong đó đáng kể là những thay đổi chưa từng có về lao động, việc làm của người lao động (NLĐ). Dịch bệnh cũng làm thay đổi các ưu tiên và kế hoạch khi các doanh nghiệp (DN) tìm cách vượt qua khó khăn để thích ứng với tình hình mới trong một môi trường đang thay đổi nhanh chóng. Các chuyên gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho rằng định hình môi trường làm việc trong năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ chứng kiến nhiều xu hướng mới.
Tăng chăm lo, phúc lợi
Nhiều chuyên gia cho rằng các nhà tuyển dụng đang chuyển từ đầu tư vào trải nghiệm của NLĐ trong công việc sang đầu tư vào cuộc sống của nhân viên. Đại dịch khiến các lãnh đạo DN tăng cường khả năng quan sát NLĐ - những người đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống cá nhân và trong công việc. Việc hỗ trợ NLĐ trong đời sống cá nhân một cách hữu hiệu không chỉ giúp họ có cuộc sống tốt hơn mà còn có thể làm việc hiệu quả hơn.
Địa điểm làm việc linh hoạt là một xu hướng mới của môi trường làm việc
Đại dịch Covid-19 đã đưa vấn đề phúc lợi lên hàng đầu khi các nhà tuyển dụng nhận thức rõ sức khỏe tinh thần ảnh hưởng đối với nhân viên và đối với công ty ở nơi làm việc. Thời gian tới, các nhà tuyển dụng sẽ tiến xa hơn nữa bằng cách mở rộng phúc lợi cho sức khỏe của NLĐ.
Theo một khảo sát của Tổ chức Gartner - chuyên nghiên cứu thị trường lao động toàn cầu, các nhà tuyển dụng từng hỗ trợ cuộc sống của nhân viên cho biết số nhân viên có sức khỏe tinh thần tốt hơn tăng 23%, số đạt sức khỏe thể chất tốt hơn tăng 17%. Họ cũng nhận thấy số lượng nhân viên làm việc đạt hiệu quả tốt tăng 21% so với các DN không có cùng mức độ hỗ trợ. Đó là lý do năm 2021 sẽ là năm mà nhiều nhà tuyển dụng hỗ trợ sức khỏe tinh thần và tài chính, thậm chí những thứ trước đây được xem nằm ngoài giới hạn, như giấc ngủ, sẽ trở thành phúc lợi cao dành cho nhân viên.
Bà Phạm Lan Khanh, người sáng lập kiêm CEO mạng lưới việc làm FreelancerViet, cho rằng những thay đổi gần đây cho thấy xu hướng linh hoạt về chỗ làm việc đã tác động đến nhận thức của NLĐ. Xu hướng cho phép nhân viên làm việc từ xa trở nên phổ biến trong năm 2020 và chắc hẳn sẽ lặp lại trong thời gian tới.
Khảo sát của Tổ chức Gartner cho thấy chỉ 36% nhân viên đạt hiệu suất cao ở các DN có thời gian làm việc tiêu chuẩn 40 giờ/tuần. Còn ở các DN cho phép NLĐ linh hoạt về thời gian, địa điểm và mức độ làm việc thì 55% nhân viên làm việc đạt được năng suất cao.
Thuê người tài bên ngoài
Bà Dương Thúy Quỳnh, chuyên gia huấn luyện nhân sự tại Navigos Việt Nam, cho biết một xu hướng quan trọng nữa đang xuất hiện rầm rộ trên thị trường tuyển dụng. Đó là việc các nhà tuyển dụng sẽ tìm cách thuê người tài bổ sung vào đội ngũ nhân lực vốn đang chịu nhiều áp lực khi chống chọi với dịch bệnh.
Nếu như trước đây, các DN tập trung đào tạo nội bộ để sàng lọc người tài thì nay, họ có xu hướng săn đón những ứng viên giỏi từ thị trường nhân lực để rút ngắn thời gian. Những người tài mà DN đang săn đón sẽ được yêu cầu nhiều hơn về các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng quản lý và sự linh hoạt đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi. Nhiều DN khác sẽ mở rộng việc thuê nhân viên theo hợp đồng, thời vụ hoặc mở rộng mối quan hệ hợp tác với các DN để "thuê" nhân viên trong thời gian ngắn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của họ.
"Những DN vừa và lớn đang có xu hướng thuê những nhân sự thật sự tài năng cho những vị trí mà họ đang cần thay đổi. Sự thích nghi nhanh chóng và sáng tạo những phương án giải quyết vấn đề tồn tại của DN chính là những kỹ năng mới và DN cần ở NLĐ giỏi. Họ sẵn sàng chi trả cao để sở hữu những nhân lực tài năng có thể giúp DN vượt qua khó khăn, thay đổi hướng phát triển của DN. Do đó, thị trường lao động sắp tới sẽ chứng kiến nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình mới" - bà Quỳnh nhấn mạnh.
Theo bà Quỳnh, nhân sự cấp cao làm tự do đang trở thành tâm điểm của một thị trường lao động nhiều biến chuyển do dịch Covid-19 tạo ra. Họ mong muốn được hưởng mức thù lao cao hơn bởi những đòi hỏi của DN cũng ngày càng cao. Giá trị mà NLĐ thuê bên ngoài tạo ra cho DN cũng vì thế mà cao hơn.
Bình luận (0)