Báo cáo thị trường lao động quý I/2021 và dự báo nhu cầu nhân lực quý II/2021 tại TP HCM của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) cho thấy nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường lao động tại TP lớn nhất cả nước. Trong khi đó, dữ liệu nghiên cứu từ Adecco Việt Nam cho thấy số lượng việc làm trong tháng 3-2021 tăng 40% so với tháng 1-2021. Đối với số lượng hồ sơ ứng tuyển, mức tăng trưởng là 26%.
Ưu tiên nhân lực trình độ cao
Đáng chú ý trong báo cáo của Falmi là mức lương mà người lao động (NLĐ) được trả có chiều hướng tăng trong các kết quả tuyển dụng của quý I/2021. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở mức lương từ 5-15 triệu đồng, trong đó mức từ 5-10 triệu đồng/tháng chiếm tỉ trọng cao nhất với 58,85% tổng nhu cầu. Các vị trí việc làm nằm trong nhóm lương này chủ yếu là nhân viên kế toán, nhân viên hành chính nhân sự, điều dưỡng, kỹ sư cơ khí, kỹ thuật viên spa, nhân viên vận hành máy móc, bán hàng qua điện thoại, nhân viên bảo trì, nhân viên kho, tư vấn khách hàng, lái xe, thợ sửa chữa điện, nhân viên thu mua...
Lao động trẻ tìm việc tại một sàn giao dịch việc làm ở TP HCM
Trong khi đó, mức lương từ trên 10-20 triệu đồng chiếm 31,75%. Các vị trí hưởng mức lương trong khoảng này bao gồm: chuyên viên xuất nhập khẩu, nhân viên chăm sóc khách hàng, chuyên viên digital marketing, chuyên viên hỗ trợ thu hồi nợ, chuyên viên kiểm soát nội bộ, kinh doanh bất động sản, chuyên viên truyền thông, giao dịch viên, biên phiên dịch, lập trình viên, marketing online, nhân viên đại diện bán hàng, quản lý bán hàng cao cấp, thư ký giám đốc, trưởng phòng kế toán - vật tư, chuyên viên thẩm định khách hàng doanh nghiệp (DN), chuyên viên đào tạo. Đáng chú ý, gần 9% có mức lương trên 20 triệu đồng/tháng. Những nhân sự này chủ yếu làm các công việc đòi hỏi trình độ tay nghề chuyên môn cao như: giám đốc kinh doanh, chuyên viên đầu tư tài chính, trưởng phòng nhân sự, bác sĩ nha khoa, bếp trưởng, chỉ huy trưởng công trình cơ điện, chuyên gia tư vấn tài chính, chuyên viên triển khai phần mềm, chuyên viên hoạch định tài chính, chuyên viên pháp chế, giám sát dự án xây dựng, kế toán trưởng...
Nhận định về thị trường, lãnh đạo Falmi cho rằng cùng với những tín hiệu khả quan từ việc phục hồi, ổn định và phát triển của các DN sau hơn 1 năm bị tác động bởi dịch Covid-19. Sự vào cuộc của TP HCM nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thiết thực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động, thúc đẩy các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Điều này góp phần phát triển thị trường lao động trong thời gian tới. Từ đó, Falmi đưa ra dự báo trong quý II/2021, TP HCM cần khoảng 68.600 - 73.500 lao động với tất cả ngành nghề trọng điểm của TP. Trong đó, các DN tại đây có xu hướng tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn, nhân lực qua đào tạo chiếm 85,7%.
Coi trọng kỹ năng mềm
Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Adecco Hà Nội, cho biết một số lĩnh vực sẽ chứng kiến sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng trong quý II gồm: kỹ thuật, sản xuất và chế tạo, năng lượng, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, điện tử, thiết kế bán dẫn, xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp... "Gần đây, chúng tôi nhận thấy nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng cho một số vị trí khá mới như thiết kế vi mạch, thiết kế kỹ thuật số, kỹ sư kiểm định, quản lý chất lượng, quản lý sản xuất cao cấp, quản lý kỹ thuật, quản lý bán hàng và tiếp thị. Trong thời gian tới, sự kết hợp giữa làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và tác động tích cực từ những hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại nhiều triển vọng cho nền kinh tế Việt Nam, khiến cơ hội việc làm và nhu cầu tuyển dụng tăng lên đáng kể" - bà Hà nói.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến yêu cầu tuyển dụng cũng có sự thay đổi đáng kể từ các nhà tuyển dụng lớn. Bên cạnh kinh nghiệm chuyên môn, ngày càng nhiều nhà tuyển dụng coi trọng kỹ năng mềm. Đầu tiên phải kể đến là sự am hiểu công nghệ. Kỹ năng này hiện đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hình thức làm việc từ xa, nền kinh tế kỹ thuật số và văn phòng ảo sẽ phổ biến hơn trong môi trường làm việc hiện đại. Theo sau là khả năng thích nghi và khả năng phục hồi. Cả hai đều được coi là những yếu tố cần thiết để bảo đảm tính bền vững của DN trong nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Học hỏi liên tục cũng là một yếu tố quan trọng mà các DN chờ đợi từ ứng viên, chẳng hạn như dễ dàng hơn trong việc thích ứng với những thay đổi bất ngờ, khơi dậy những ý tưởng mới và đạt được lợi thế cạnh tranh.
Theo ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc của Navigos Group, chưa bao giờ giới DN Việt Nam lại đứng trước cơ hội chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. Chuyển đổi số trong kỷ nguyên số không còn là các dự báo xa vời mà đó là những yêu cầu sống còn nếu DN muốn phát triển nhanh và bền vững. "Chuyển đổi số sẽ tạo ra các vị trí việc làm mới cho các sản phẩm mới, dịch vụ mới nên NLĐ cũng được yêu cầu các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm cho chiến lược chuyển đổi số thành công. Với những gì được chứng kiến và đồng hành, chúng tôi nhận thấy DN Việt sẽ làm nên nhiều kỳ tích hơn trong và sau đại dịch này và cơ hội cho NLĐ mở rộng hơn bao giờ hết, tất nhiên là cho lao động có chuyên môn cao" - ông Gaku Echizenya nói.
Để duy trì được việc làm trong thị trường lao động luôn thay đổi hiện nay, NLĐ nên chủ động bắt kịp những xu hướng mới. Sau đó, vạch ra cho mình kế hoạch phát triển với các mục tiêu thực tế để rèn luyện kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng mềm".
Ông ANDREE MANGELS, Tổng Giám đốc Adecco Việt Nam
Bình luận (0)