"Hành vi người sử dụng lao động không báo cáo hoặc báo cáo không chính xác, không đúng thời hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người lao động (NLĐ). Thế nhưng, do mức xử phạt khá thấp, chỉ từ 1-3 triệu đồng, nên chưa đủ sức răn đe. Thời gian qua, đối với những hành vi khác có mức phạt tương tự, chúng tôi không xử phạt vì có phạt cũng không có tác dụng".
Thiệt thòi thuộc về người lao động
Trên đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Điểu, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại buổi lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức mới đây.
Chế tài chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng chủ doanh nghiệp sai phạm trong lĩnh vực lao động, gây thiệt thòi cho người lao động
Đồng tình với ý kiến trên, ông Hồ Thanh Hồng, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho rằng mức xử phạt đối với một số hành vi sai phạm nghiêm trọng liên quan đến việc doanh nghiệp (DN) không trích nộp kinh phí Công đoàn (CĐ) và BHXH cũng chưa đủ sức răn đe.
Theo quy định hiện hành, DN chậm đóng, đóng không đúng mức quy định hay đóng không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng kinh phí CĐ hay BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị phạt tiền với mức từ 12%-15% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng. "Việc quy định mức phạt trần tối đa 75 triệu đồng đang bị DN lợi dụng để trục lợi. Chẳng hạn, đối với DN có đông lao động, số tiền phải đóng BHXH mỗi tháng có thể là vài tỉ đồng. Nếu không đóng BHXH trong vài tháng, số tiền DN chiếm dụng được lên đến cả chục tỉ đồng. Như vậy, có mất 75 triệu đồng để đóng phạt thì DN vẫn lời to, chỉ có NLĐ là thiệt thòi quyền lợi. Do vậy, theo tôi, không nên khống chế mức phạt tối đa mà buộc DN phải nộp phạt căn cứ trên tỉ lệ số tiền phải đóng" - ông Hồng kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cũng kiến nghị tăng mức phạt tối thiểu các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH từ 500.000 đồng lên 1 triệu đồng. Đặc biệt, đối với những hành vi vi phạm của các DN đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì mức tối thiểu phải nâng lên từ 10 triệu đồng. "Tăng mức phạt không phải tăng thu ngân sách mà để tăng sự răn đe đối với DN vi phạm nhằm giữ nghiêm kỷ cương pháp luật" - ông Lâm nhấn mạnh.
Nhiều kẽ hở để doanh nghiệp lách luật
Hiện nay, hành vi vi phạm quy định về đóng BHXH của DN rất nghiêm trọng. Thế nhưng, ngoài quy định mức phạt, các quy định xử phạt vi phạm hành chính hiện hành (Nghị định 95/2013/NĐ-CP, Nghị định 88/2015/NĐ-CP) hay dự thảo Nghị định mà Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng đều không hề đề cập việc buộc DN vi phạm khắc phục hậu quả. Đây chính là kẽ hở để DN lách luật và gây khó khăn cho người làm công tác thanh tra, kiểm tra.
Minh chứng cho điều này, một cán bộ thanh tra thuộc Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai kể đã từng có trường hợp DN trên địa bàn bị xử phạt hơn 300 triệu đồng vì nợ kinh phí CĐ và BHXH. DN chấp nhận đóng tiền phạt nhưng không chịu khắc phục số tiền nợ. Khi cơ quan chức năng chuyển hồ sơ của DN sang cơ quan điều tra đề nghị truy tố theo Bộ Luật Hình sự thì DN chứng minh được rằng toàn bộ doanh thu của công ty ưu tiên để trả lương cho NLĐ và tái cơ cấu DN, phần còn lại mới sử dụng để đóng BHXH. Song, ngoài nợ gốc, DN còn bị cơ quan BHXH tính thêm tiền lãi nên vượt khả năng chi trả. DN không gian dối nên không thể hình sự hóa được.
Ông Trần Hảo Trí, Phó trưởng Phòng Lao động Ban Quản lý các KCX-CN TP HCM (Hepza), cho biết hiện nay, Hepza đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo ủy quyền của UBND TP (căn cứ Nghị định 82/2018/NĐ-CP). Tuy nhiên, Nghị định 82/2018/NĐ-CP không quy định giao quyền lập biên bản vi phạm hành chính nên trên quyết định ủy quyền cũng không có nội dung đó. Điều này dẫn đến tình trạng nếu kiểm tra và phát hiện sai phạm của DN, Hepza chỉ có thể lập biên bản kiểm tra và báo cho Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP. "Với biên bản kiểm tra của Hepza, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP không thể ra quyết định xử phạt mà phải tổ chức đi thanh tra lại, lập biên bản vi phạm hành chính rồi mới ra quyết định xử phạt" - ông Trí nói.
Khó cưỡng chế doanh nghiệp sai phạm
Vấn đề cưỡng chế DN thực hiện quyết định xử phạt cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH, cho biết hiện nay, tỉ lệ số tiền nộp phạt thu được ngày càng giảm. Năm 2017, Bộ LĐ-TB-XH ban hành 71 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với tổng số tiền nộp phạt là 5,1 tỉ đồng, tỉ lệ thu hồi được chiếm 51%; năm 2018, Bộ LĐ-TB-XH ban hành 100 quyết định xử phạt với số tiền 8,070 tỉ đồng, tỉ lệ thu hồi là 36%. Còn tính đến hết tháng 9-2019, với 123 quyết định xử phạt (tổng số tiền 10,3 tỉ đồng) nhưng số tiền phạt thu hồi được chỉ chiếm 17%.
Theo ông Tùng, nguyên nhân của tình trạng trên một phần do vấn đề cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt còn vướng mắc. "Trước đây, việc cưỡng chế giao cho cơ quan kiểm sát. Thế nhưng, theo quy định hiện hành, cơ quan nào ban hành quyết định xử phạt thì cơ quan đó ra quyết định cưỡng chế. Việc này gây khó khăn không nhỏ cho cơ quan thanh tra" - ông Tùng lý giải.
Bình luận (0)